Việt Nam tổ chức vận động ứng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế

Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc tiếp tân để vận động cho Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Nguyễn Hồng Thao ứng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế.
Việt Nam tổ chức vận động ứng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế ảnh 1Ông Nguyễn Hồng Thao khi còn đảm nhiệm cương vị Đại sứ Việt Nam tại Malaysia. (Ảnh: Kim Dung-Chí Giáp/Vietnam+)

Ngày 23/6, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc tiếp tân để vận động cho Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Nguyễn Hồng Thao ứng cử vào một trong bảy vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) được phân bổ cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tham dự cuộc tiếp tân có đông đảo đại sứ và đại diện của các phái đoàn thường trực tại Liên hợp quốc và những người đứng đầu nhiều tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại buổi vận động, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Phương Nga đã giới thiệu sơ lược tiểu sử của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, nhấn mạnh ông là một chuyên gia luật quốc tế kỳ cựu đồng thời là nhà ngoại giao có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực luật quốc tế và luật ngoại giao.

Đại sứ cho biết việc Việt Nam lần đầu tiên có ứng cử viên vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế thể hiện cam kết của Việt Nam đối với luật pháp quốc tế cũng như mong muốn đóng góp vào công việc chung của Liên hợp quốc.

Trong bài phát biểu giới thiệu về bản thân, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh đến bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi, các quốc gia đang phải đối phó với cả những thách thức truyền thống lẫn phi truyền thống như các cuộc xung đột quân sự, tình trạng di cư, tội ác chống lại loài người, các hành vi khủng bố, tình trạng biến đổi khí hậu... Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần tìm được tiếng nói chung trong việc phát triển và hệ thống hóa luật pháp quốc tế vì bản thân luật pháp cần phải được sử dụng như một công cụ để quản lý hiệu quả trật tự thế giới mới.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho biết Việt Nam có kinh nghiệm trong việc quản lý những thách thức và khó khăn, nhờ trải qua nhiều cuộc đấu tranh vì hòa bình, an ninh, giảm đói nghèo và phát triển bền vững. Đặc biệt trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công vai trò là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các vị trí trong nhiều tổ chức và thể chế khác của Liên hợp quốc.

Đại sứ cam kết rằng nếu trúng cử, ông sẽ đặt ưu tiên cho một số chủ đề thích hợp cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như các quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi, bao gồm sưu tầm và công bố những tài liệu liên quan đến thông lệ thực thi luật pháp quốc tế của các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, tại những khu vực nằm ngoài quy chế pháp lý của quốc gia (ABNJ), sử dụng các con sông quốc tế như là sông Mekong; Quản lý không phận và vũ trụ; Chống khủng bố; Không gian mạng; Giải quyết những tranh chấp giữa các quốc gia thông qua biện pháp hòa bình; Các chủ đề khác thuộc lĩnh vực quan tâm của ILC.

Chiến dịch vận động cho phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao ứng cử vào vị trí trên chính thức được khởi động vào tháng 2/2016 sau khi phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và những tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, gửi công hàm giới thiệu ông tới phái đoàn các nước. Cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối năm nay.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là một chuyên gia về luật pháp quốc tế. Ông từng giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, trưởng đoàn đàm phán các hiệp định biên giới với những nước láng giềng của Việt Nam, cố vấn pháp lý cho dự thảo Luật biển Việt Nam năm 2012... Ông có 40 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành ngoại giao, từng là Đại sứ Việt Nam tại Malaysia từ năm 2011-2014 và nay là Đại sứ tại Kuwait.

Ủy ban Luật pháp Quốc tế là một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, với 34 thành viên, được bầu ra 5 năm một lần. Các chuyên gia tham gia ủy ban hoạt động độc lập với quốc gia giới thiệu họ. Đây là một diễn đàn pháp lý có uy tín, cơ quan chuyên soạn thảo những công ước quốc tế quan trọng, trong đó có các Công ước Luật biển năm 1958. Ủy ban còn nghiên cứu về những vấn đề lớn của luật pháp quốc tế, luật về quan hệ giữa các quốc gia.

Thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế đa phần là các giáo sư, nhà ngoại giao, luật gia nổi tiếng, có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và thực hành luật pháp quốc tế. Tính cạnh tranh trong bầu cử Ủy ban Luật pháp Quốc tế thường rất cao.

Thành viên hiện tại của Ủy ban Luật pháp Quốc tế đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến từ sáu nước, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục