Việt Nam-Trung Quốc ưu tiên hợp tác về kinh tế số, phát triển xanh

29/9, tại Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt-Trung.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào bắt tay nhau trước khi đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc. (Ảnh: Thành Dương/ TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào bắt tay nhau trước khi đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc. (Ảnh: Thành Dương/ TTXVN)

Ngày 29/9, tại Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc.

Phát biểu tại Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào hoan nghênh, đánh giá cao ý nghĩa chuyến công tác và làm việc tại Trung Quốc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc.

Đây là minh chứng cụ thể về vai trò quan trọng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt-Trung với nền kinh tế mỗi nước, nhất là trong bối cảnh hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đã bước lên một tầm cao mới.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Vương Văn Đào đề xuất phía Việt Nam tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng; chú trọng triển khai văn kiện hợp tác đầu tư và sáng kiến kinh tế số-phát triển xanh đã được hai bên thống nhất.

ttxvn-uy ban hop tac kinh te viet trung.jpg
Toàn cảnh Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc. (Ảnh: Thành Dương/TTXVN)

Việt Nam có chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển dự án điện; hợp tác khu công nghiệp; tiếp tục đàm phán và ký kết MOU về tăng cường hợp tác kinh tế trong chuỗi sản xuất và cung ứng...

Cùng đó, Bộ trưởng Vương Văn Đào cũng kiến nghị giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại; trong đó, đàm phán và ký kết văn kiện hợp tác thương mại nông sản. Đồng thời, tăng cường hợp tác thương mại điện tử, trao đổi về tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp của sản phẩm xuất nhập khẩu; giải quyết thỏa đáng các vụ điều tra chống bán phá giá. Về hợp tác đa phương và khu vực, đề xuất hai bên thảo luận và hoàn tất tiến trình gia nhập vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) của thành viên mới...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Kỳ họp lần này hết sức kịp thời nhằm quán triệt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào trung tuần tháng 8/2024 vừa qua.

Nhất trí với đề xuất của Bộ trưởng Vương Văn Đào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Hai bên cần tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng; trong đó, ưu tiên hợp tác về kinh tế số, phát triển xanh. Bởi đây là xu hướng chung và là một trong những động lực của phát triển trong tương lai.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển dự án điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, với sự phát triển nhanh của xe ô tô điện, Chính phủ Việt Nam quan tâm và ban hành một số cơ chế, chính sách về phát triển xe ôtô điện như chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ôtô điện và chính sách ưu đãi khuyến khích sử dụng ôtô điện như ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi về lệ phí trước bạ.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, tích hợp các nội dung về phát triển ôtô sử dụng điện, năng lượng xanh tại Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng và kiến nghị Chính phủ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích tiêu thụ xe điện.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao đề xuất của Bộ trưởng Vương Văn Đào về sáng kiến thúc đẩy hợp tác khu công nghiệp. Đây là một nội dung quan trọng, phía Việt Nam cũng hết sức quan tâm, mục tiêu nhằm tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn nữa, nâng cao tính bổ sung lẫn nhau giữa các Khu công nghiệp hai bên.

Liên quan đến đề xuất hợp tác khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, Bộ Công Thương ủng hộ doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác, trao đổi, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng chặt chẽ hơn, cùng ứng phó với tác động tiêu cực của kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, các đề xuất khác của phía Trung Quốc về xây dựng dự thảo MOU của Bộ Thương mại Trung Quốc về việc tăng cường hợp tác kinh tế chuỗi sản xuất; đàm phán, ký MOU nông sản, hợp tác về thương mại điện tử… Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sẵn sàng phối hợp với phía Trung Quốc giải quyết các vấn đề hai bên quan tâm.

Đưa ra các giải pháp mới để thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam-Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất hai bên tăng cường hợp tác, đảm bảo thông quan thông suốt tại các cửa khẩu; phối hợp phân luồng thông quan hàng hóa, thông báo trước cho nhau thông tin thông quan với sản phẩm cơ điện, nông thủy sản, trái cây và hàng hóa khác…

Đề nghị phối hợp phân luồng hàng hóa cân bằng và hiệu quả giữa các cửa khẩu biên giới đất liền. Hiện nay lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn tập trung quá nhiều tại tỉnh Lạng Sơn, trong khi đó, cửa khẩu Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai cũng đã được đầu tư hạ tầng giao thông, bến bãi rất tốt nhưng chưa được khai thác triệt để.

Nghiên cứu, triển khai mô hình hợp tác giữa các khu công nghiệp, tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn, nâng cao tính bổ sung lẫn nhau; hoàn thiện cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới. Hiện nay, lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa qua các cửa khẩu giữa hai nước cũng như thương mại song phương đang tăng trưởng rất mạnh. Vì vậy, hai bên cần không ngừng nâng cấp, cải thiện hạ tầng cửa khẩu biên giới.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị: Hai bên thúc đẩy mở mới các địa điểm chỉ định giám sát hải quan với trái cây, nông sản, lương thực tại cửa khẩu đường bộ và đường sắt có đủ điều kiện. Song song đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục, sớm khởi công xây dựng cầu biên giới tại Bản Vược (Lào Cai)-Bá Sái (Hà Khẩu); sớm tổ chức Lễ công bố nâng cấp cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam)-Kim Thủy Hà (Trung Quốc) lên cửa khẩu quốc tế; thúc đẩy sớm triển khai xây dựng cầu đa năng tại Khu vực cửa khẩu này.

Thời gian qua, Trung Quốc đã mở cửa thị trường thêm cho nhiều loại nông sản như sầu riêng, tổ yến, chanh leo, dừa, thạch đen... góp phần vào sự gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Đặc biệt, sầu riêng đã trở thành điểm tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc (kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm 2023).

Bộ trưởng đề xuất phía Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam gồm các quả có múi, bơ, na, roi, thảo quả, đồng thời sớm hoàn tất việc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch với một số trái cây đã được xuất khẩu theo diện truyền thống. Cùng đó, Bộ Thương mại Trung Quốc thúc đẩy Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc xem xét bỏ mặt hàng tôm hùm bông khỏi danh mục quy định cấm săn bắt, vận chuyển, buôn bán tại Trung Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cùng chỉ đạo, định hướng các cơ quan hữu quan hai bên tăng cường phổ biến thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng tuyến vận tải container đường sắt Việt-Trung; nghiên cứu mô hình mới để triển khai Khu Hợp tác kinh tế qua biên giới; thúc đẩy thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc.

Ông Đỗ Quốc Hưng-Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) kiến nghị hai Bộ trưởng chỉ đạo, hướng dẫn, thúc đẩy địa phương biên giới của hai nước hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới, nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa, đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt và thúc đẩy tận dụng tuyến vận tải container đường sắt Việt - Trung.

Cùng đó, chỉ đạo hai bên tiếp tục nghiên cứu mô hình mới để triển khai xây dựng Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt-Trung. Đặc biệt, triển khai hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực thương mại điện tử và thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trao đổi về Bản ghi nhớ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản và dự thảo Bản ghi nhớ về việc Tăng cường hợp tác kinh tế chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.

Phản hồi đề xuất của phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào đánh giá cao việc Bộ Công Thương Việt Nam đã xây dựng cơ chế hợp tác với các tỉnh, thành Trung Quốc và khẳng định sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng mối quan hệ hợp tác với địa phương có thế mạnh kinh tế cũng như thúc đẩy quan hệ giữa địa phương hai nước.

Bộ trưởng Vương Văn Đào khẳng định: Trong suốt những năm qua hai Bộ trưởng đã nỗ lực thúc đẩy và có các biện pháp sáng tạo tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là giai đoạn COVID-19. Vì vậy, sẽ tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ nhiều hàng hoá xuất khẩu khác của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc như cam có múi, bơ...

Về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu tôm hùm bông, Bộ trưởng Vương Văn Đào cho biết đã cùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên xử lý vấn đề trong giai đoạn COVID-19 và đánh giá rất cao chất lượng mặt hàng này.

Cũng tại Kỳ họp, hai bên đã trao đổi về nhiều vấn đề cùng quan tâm và đạt được nhiều nội dung đồng thuận, góp phần gia tăng sự hiểu biết, sự tin cậy lẫn nhau. Hai Bộ trưởng tin rằng, kết quả và sự thành công của Kỳ họp sẽ là tiền đề quan trọng để hai bên triển khai hiệu quả phương hướng hợp tác theo chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Qua đó, góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt -Trung, mang lại lợi ích thiết thức cho nhân dân hai nước, đồng thời có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Những kết quả của kỳ họp cũng sẽ được hai bên báo cáo Thủ tướng Chính phủ hai nước và chuẩn bị thành quả cho hoạt động đối ngoại quan trọng sắp tới của hai Đảng và hai Nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.