Tại Đối thoại Chiến lược Việt Nam-Anh lần thứ 7 diễn ra ngày 2/7 ở thủ đô London, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Harriett Baldwin đã hoan nghênh đà tiến triển trong mối quan hệ đối tác chiến lược song phương, đặc biệt trong việc ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thương mại tự do, phát triển kinh tế bền vững, giáo dục, trao đổi văn hóa; hoan nghênh việc thảo luận nhiều vấn đề song phương và quốc tế, trong đó có các nội dung về quyền con người.
Đối thoại Chiến lược Việt Nam-Anh khẳng định 2 nước ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại toàn cầu và hoan nghênh việc ký Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) hôm 30/6 vừa qua.
Việt Nam và Anh mong muốn quan hệ thương mại được tiếp tục khi Anh rời EU, còn được gọi là Brexit, bao gồm việc chuyển đổi EVFTA.
Hai bên cũng thảo luận đề xuất của Vương quốc Anh về việc chuyển đổi Hiệp định Hợp tác và Đối tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA). Điều này sẽ thúc đẩy quan hệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Anh hướng tới tăng cường cạnh tranh và hoạt động hiệu quả.
[Đại sứ Gareth Ward: Việt Nam có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Anh]
Việt Nam và Anh cam kết hợp tác tại các diễn đàn đa phương. Anh hoan nghênh việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; hai bên mong muốn hợp tác chặt chẽ trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong nhiệm kỳ của Việt Nam, liên quan tới các chủ đề như: phụ nữ, hòa bình và an ninh; tái thiết hậu xung đột; các cơ chế không phổ biến toàn cầu, bao gồm giải giáp, rà phá bom mìn, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và giải quyết các vấn đề khu vực như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ chuẩn bị cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP26 nhằm tăng cường các cam kết giảm phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Hai bên chia sẻ quan điểm về những diễn biến gần đây tại Biển Đông, bày tỏ ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng khu vực.
Hai bên ủng hộ việc thành lập Nhóm làm việc chung về tội phạm có tổ chức nghiêm trọng mới nhằm phối hợp xây dựng chính sách và triển khai thực hiện các dự án trong các lĩnh vực như nô lệ hiện đại, buôn người, bóc lột tình dục trẻ em và vận chuyển hàng hóa trái phép qua hải quan.
Việc ký Biên bản ghi nhớ mới giữa Lực lượng Biên phòng Anh và Tổng cục Hải quan Việt Nam, cũng như việc rà soát và đánh giá Bản ghi nhớ hợp tác MOU về trao trả người giữa Bộ Nội vụ và Bộ Công an sẽ tăng cường hợp tác quan trọng trong các vấn đề này.
Hai bên hoan nghênh tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt việc thiết lập cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng, các chuyến thăm cấp cao và hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, như triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Nam Sudan.
Hai bên ghi nhận vai trò quan trọng của hợp tác giáo dục trong quan hệ song phương và hoan nghênh việc xem xét gia hạn "Quyết định thành lập cơ sở văn hóa và giáo dục Hội đồng Anh tại Việt Nam."
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường ngoại giao văn hóa song phương nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước.
Trước đó, ngày 1/7, Thứ trưởng Tô Anh Dũng đã có buổi làm việc với nghị sỹ Ed Vaizey - phái viên của Thủ tướng Anh phụ trách vấn đề thương mại với Việt Nam, Lào và Cambodia.
Tại cuộc gặp, hai bên đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, đảm bảo các hoạt động kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ không xảy ra gián đoạn khi diễn ra Brexit.
Ông Vaizey bày tỏ mong muốn Việt Nam và Anh sớm ký hiệp định thương mại tự do với nhau dựa trên khung của EVFTA./.