Việt Nam và khu vực Kyushu của Nhật Bản tăng hợp tác nông nghiệp

Việt Nam coi trọng vai trò của khoa học-công nghệ và đánh giá cao những đóng góp của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu tại Kyushu, đặc biệt là Đại học Kyushu, với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Việt Nam và khu vực Kyushu của Nhật Bản tăng hợp tác nông nghiệp ảnh 1Các cán bộ của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka tham dự hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 11/11, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Đại học Kyushu (Nhật Bản) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nông nghiệp Việt Nam và Kyushu: Các vấn đề và tương lai phát triển."

Đây là hội thảo khoa học đầu tiên về nông nghiệp giữa Việt Nam với một vùng kinh tế của Nhật Bản.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết Việt Nam coi trọng vai trò của khoa học-công nghệ và đánh giá cao những đóng góp của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu tại Kyushu, đặc biệt là Đại học Kyushu, đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tổ chức định kỳ các hội thảo khoa học như vậy nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác thiết thực và hiệu quả giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đồng thời hy vọng hội thảo tiếp theo sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Theo phân chia vùng kinh tế của Nhật Bản, khu vực Kyushu bao gồm toàn bộ 7 tỉnh trên đảo Kyushu - đảo lớn thứ ba trong số năm đảo chính ở nước này, và tỉnh Okinawa. Kyushu có vị trí địa lý rất chiến lược khi giáp các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên.

[Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục phát triển]

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Miki Nakao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp thuộc Đại học Kyushu, cho biết đây là một trong những khu vực đi đầu tại Nhật Bản về phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung, cũng như nông nghiệp thông minh và ngành thủy sản thế hệ mới nói riêng.

Trong khi đó, theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, Kyushu là khu vực có vị trí rất quan trọng trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. Đây là điểm khởi nguồn cho quan hệ thương mại giữa hai nước từ hơn 400 năm trước.

Là một trong những tỉnh thuộc khu vực Kyushu, thời gian qua, Kumamoto là điểm đến của nhiều thực tập sinh Việt Nam.

Chia sẻ với các đại biểu tham dự hội thảo, ông Ikuo Kababashima, Thống đốc tỉnh Kumamoto, cho biết đa số các thực tập sinh Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh này, chiếm hơn một nửa tổng số khoảng 3.400 thực tập sinh nước ngoài, đều đã và đang phát triển rất tốt.

Nhiều thực tập sinh đã vươn lên vị trí quản lý, phiên dịch, nhân viên kỹ thuật tay nghề cao trong các công ty chế biến, gia công thực phẩm sau thu hoạch. Ông tin tưởng nguồn nhân lực quan trọng này sẽ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong thời gian tới.

Việt Nam và khu vực Kyushu của Nhật Bản tăng hợp tác nông nghiệp ảnh 2Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Vũ Bình theo dõi hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại hội thảo, các nhà khoa học và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của hai nước đã thảo luận về các biện pháp để nâng cao giá trị thặng dư cho thực phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp và phát triển tài nguyên thuỷ sản.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Vũ Bình bày tỏ tin tưởng hội thảo này sẽ mở ra những cơ hội mới, cách làm mới trong hợp tác giữa hai nước về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển hợp tác kinh doanh không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà trên mọi lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các thách thức về biến đổi khí hậu như hiện nay.

Bên cạnh đó, Tổng lãnh sự Vũ Bình cũng khẳng định Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp cũng như trong các lĩnh vực khác một cách thiết thực và hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.