Việt Nam và Nam Phi tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước

Các doanh nghiệp Việt Nam tham dự tọa đàm xúc tiến thương mại đã giới thiệu các sản phẩm nổi bật, lĩnh vực cần tìm kiếm đầu tư, hợp tác với các đối tác Nam Phi.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Đình Lượng/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Đình Lượng/TTXVN)

Trong khuôn khổ Diễn đàn Đối tác liên chính phủ Việt Nam-Nam Phi lần thứ 4, ngày 13/3, tại trụ sở Phòng Thương mại và công nghiệp (CCCI) Cape Town, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi phối hợp với Thương vụ Việt Nam tổ chức tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Nam Phi và xúc tiến thương mại tại "đất nước cầu vồng."

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, tham dự tọa đàm, về phía Việt Nam có ông Nguyễn Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Đối tác liên chính phủ Việt Nam-Nam Phi lần thứ 4, chủ trì buổi tọa đàm; Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Vũ Văn Dũng; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành; đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; một số sở, ban, ngành tỉnh Gia Lai và 9 doanh nghiệp về hàng dệt may, nông sản, khoáng sản, năng lượng tái tạo, viễn thông, hóa chất, vật liệu xây dựng, xuất khẩu lao động...

Về phía Nam Phi có bà Sindiswa Mququ, Vụ trưởng Vụ Nam Á, Trung Á và Đông Nam Á thuộc Tổng Vụ châu Á-Trung Đông, Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Nam Phi (DIRCO), Giám đốc điều hành CCCI Sid Peimer và các doanh nghiệp, cá nhân Nam Phi quan tâm đến thị trường và đối tác kinh doanh Việt Nam.

Việt Nam và Nam Phi tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước ảnh 1Đại diện Bộ Công Thương giới thiệu tiềm năng, thế mạnh hợp tác, đầu tư của Việt Nam. (Ảnh: Đình Lượng/TTXVN)

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường khẳng định ông thực sự ấn tượng với sự tham dự đông đảo của gần 100 đại biểu tại tọa đàm doanh nghiệp lần này, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp từ Việt Nam và Nam Phi.

Theo ông, có 4 lý do chính giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế gồm ổn định chính trị và kinh tế; sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới với nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương đã được ký kết; Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng ngày càng đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư quốc tế và dân số trẻ; Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để thúc đẩy môi trường đầu tư, hợp tác, thương mại.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường đánh giá quan hệ truyền thống Việt Nam-Nam Phi với những điểm chung về khát vọng vươn lên, lịch sử đấu tranh giành độc lập của Việt Nam và đấu tranh vì nền dân chủ của Nam Phi đang ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, quan hệ thương mại song phương hiện đạt trên 1 tỷ USD/năm vẫn còn khiêm tốn so với mức tổng kim ngạch thương mại hàng hóa, dịch vụ năm 2018 của Việt Nam là 450 tỷ USD, trong khi con số này của Nam Phi là 230 tỷ USD.

Do vậy, hai nước cần thúc đẩy hiện thực hóa tiềm năng hợp tác của doanh nghiệp hai bên và sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp trong buổi tọa đàm lần này là dịp tốt để góp phần phấn đấu đạt được mục tiêu đó.

Vụ trưởng Sindiswa Mququ cho rằng quan hệ chính trị giữa Nam Phi và Việt Nam đang ngày càng phát triển tốt đẹp với việc hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2018.

Về quan hệ kinh tế, hai nước cần mở rộng không gian hợp tác cho các doanh nghiệp.

Hiện, Việt Nam đang được hưởng thặng dư thương mại lớn với Nam Phi, do đó, hai nước cần tiếp tục thúc đẩy thương mại song phương, đồng thời thu hẹp chênh lệch cán cân thương mại.

Chính phủ Nam Phi và Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác, đầu tư, thương mại thông qua các khung pháp lý và tháo gỡ vướng mắc, các hoạt động cụ thể phải xuất phát từ chính doanh nghiệp hai bên. Diễn đàn doanh nghiệp lần này là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác.

Bên cạnh trình chiếu các đoạn phim ngắn, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam đã trực tiếp giới thiệu khái quát về thế mạnh và tiềm năng hợp tác của Việt Nam trên các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, may mặc...

Các doanh nghiệp Việt Nam tham dự tọa đàm đã giới thiệu các sản phẩm nổi bật, lĩnh vực cần tìm kiếm đầu tư, hợp tác với các đối tác Nam Phi.

Các đại biểu cũng có dịp tìm hiểu và thưởng thức càphê, sản phẩm dừa và hạt tiêu của Việt Nam được trưng bày, giới thiệu tại sự kiện.

Nhiều doanh nghiệp Nam Phi rất quan tâm tìm hiểu các mặt hàng nông sản của Việt Nam và đã trực tiếp thiết lập kênh liên lạc giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.