Việt Nam và New Zealand hợp tác trong giáo dục nghề nghiệp

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của New Zealand sẽ hợp tác với Tổng cục Giáo dục nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường lao động của Việt Nam.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam bà Wendy Matthews và tiến sỹ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam bà Wendy Matthews và tiến sỹ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Hôm nay 20/7 tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Liên Chính phủ New Zealand (G2G) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng.

Trong khuôn khổ của bản hợp tác, Cơ quan G2G sẽ góp phần vào các nỗ lực nâng cao chất lượng của lực lượng lao động của Việt Nam. Cơ quan G2G có trách nhiệm thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, viện nghiên cứu của New Zealand với Tổng cục Giáo dục nghiệp, các cơ quan, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam bà Wendy Matthews chia sẻ: “Từ những năm 1992, khung trình độ quốc gia của New Zealand là một trong những khung trình độ toàn diện đầu tiên trên thế giới. Chúng tôi luôn nỗ lực nhằm ‘làm mới’ hệ thống đào tạo đồng thời áp dụng nhiều phương thức đổi mới sáng tạo nhằm đảm bảo hệ thống giáo dục nghề nghiệp luôn được hoàn thiện để ứng tốt nhất nhu cầu luôn thay đổi của các ngành nghề."

"New Zealand giữ vững vị trí dẫn đầu trong khối các quốc gia nói tiếng Anh cũng như đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương về chỉ số giáo dục cho tương lai năm 2019 của tổ chức Economist Intelligence Unit's (EIU). Với hệ thống giáo dục chất lượng cao, kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực đào tạo nghề, New Zealand luôn sẵn sàng triển khai các sáng kiến hợp tác nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam, qua đó tăng cường tính cạnh tranh và năng suất của nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu cao về nguồn nhân lực toàn cầu," Đại sứ Wendy Matthews nhấn mạnh.

Tiến sỹ Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ: "Những năm qua, số lượng người tham gia vào giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng, tỷ lệ người học sau tốt nghiệp có việc làm cao, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của thị trường lao động.”

Theo tiến sỹ Trương Anh Dũng, trong thời gian tới, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp xác định mục tiêu chung về phát triển là tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo. Đặc biệt, đào tạo chất lượng cao sẽ theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục