Việt Nam và Nhật Bản nhất trí hợp tác củng cố các chuỗi cung ứng

Tại kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp Việt-Nhật, hai bên đã nhất trí về các biện pháp nhằm củng cố các chuỗi cung ứng, đồng thời Nhật Bản nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp.
Việt Nam và Nhật Bản nhất trí hợp tác củng cố các chuỗi cung ứng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock)

Ngày 23/8, tại thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura đã đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng.

Tại kỳ họp, hai bên đã nhất trí về các biện pháp nhằm củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, và nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp; hợp tác chuyển đổi năng lượng hướng tới trung hòa carbon; đẩy nhanh tiến độ của một số dự án năng lượng quan trọng.

Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí tăng cường tận dụng và thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ đa phương như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF)...

Đáng chú ý, theo đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, phía Nhật Bản đã nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp và sớm ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi năng lượng nhằm cụ thể hoá các dự án hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng bằng nguồn ngân sách từ Quỹ hỗ trợ chuyển đổi năng lượng châu Á.

Bên cạnh đó, phía Nhật Bản cũng đồng ý hỗ trợ đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

[Kết nối cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản]

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, các biện pháp trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giúp các nền kinh tế và doanh nghiệp hai nước ứng phó hiệu quả với những diễn biến phức tạp trên thế giới hiện nay như căng thẳng địa-chính trị, lạm phát, giá năng lượng tăng cao và sự đứt gãy các chuỗi cung ứng.

Cũng tại kỳ họp, hai bộ trưởng đã bày tỏ hài lòng về những thành tựu quan trọng đạt được kể từ kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban, bao gồm hợp tác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khuôn khổ RCEP và CPTPP, và hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng/khử cacbon, các ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và các ngành khác bất chấp tác động của dịch COVID-19.

Mặt khác, hai bộ trưởng cũng tái khẳng định vai trò quan trọng của cơ chế Ủy ban hỗn hợp trong việc tháo gỡ các khó khăn trong kinh doanh và đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và liên tục của thương mại và đầu tư.

Ủy ban Hỗn hợp Việt-Nhật về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng được thành lập vào tháng 7/2015. Kỳ họp thứ 5 của Ủy ban diễn ra sau một thời gian gián đoạn vì dịch COVID-19.

Đây là kỳ họp đầu tiên của Ủy ban diễn ra dưới sự đồng chủ trì của ông Nishimura, người mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trong cuộc cải tổ nội các hôm 10/8.

Điều này thể hiện sự coi trọng và đánh giá rất cao của phía Nhật Bản đối với quan hệ hợp tác Việt-Nhật trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.