Việt Nam và Nhật Bản thêm xung lực mới trong lộ trình hội nhập

Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công nghiệp, đến hết tháng 10 vừa qua, tổng số vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam lên gần 39 tỷ USD.
Việt Nam và Nhật Bản thêm xung lực mới trong lộ trình hội nhập ảnh 1Dây chuyền sản xuất phụ kiện cảm biến tại Công ty TNHH Sankoh Việt Nam, 100% vốn đầu tư của Nhật Bản. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Tại buổi "Giao thương doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phần mềm,” tổ chức sáng 23/11 tại Hà Nội, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết Nhật Bản là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Đến hết tháng 10 vừa qua, số vốn đầu tư và đăng ký cấp mới của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam là 1,48 tỷ USD.

Con số này đã đưa tổng số vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam lên gần 39 tỷ USD. Hiện, Việt Nam cũng đã và đang phát huy hiệu quả hợp tác với Nhật Bản để tạo thêm xung lực mới trong lộ trình hội nhập và phát triển.

"Với mức tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, môi trường kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam đang tiếp tục được cải thiện rõ rệt theo hướng minh bạch, từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính, hệ thống tài chính, ngân hàng được củng cố, hạ tầng cơ sở đang được đầu tư hoàn thiện. Việt Nam hy vọng tiếp tục đón các luồng đầu tư lớn từ Nhật Bản trong thời gian tới," ông Đỗ Kim Lang nói.

Theo ông Đỗ Kim Lang, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Nhật Bản tăng trưởng tích cực qua mỗi năm. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Hoa Kỳ.

Qua thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Nhật Bản năm 2014 đạt 27,6 tỷ USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 12,9 tỷ USD. Riêng 8 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt gần 19 tỷ USD. Trong số này, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 9,3 tỷ USD chủ yếu là các mặt hàng dệt may, dầu thô, thủy sản…

Ông Kobayashi Tatsuo, Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghệ thông tin vùng Kansai, Osaka, Nhật Bản chia sẻ, các thành viên của Kansai rất quan tâm đến Việt Nam, vì vậy hôm nay đại diện cho 12 công ty lớn mạnh nắm giữ những kỹ thuật tiên tiến của Kansai đã đến thăm và tìm kiếm cơ hội giao thương tại Việt Nam.

Hợp tác công nghệ thông tin giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong những năm gần đây đã gặt hái nhiều thành công. Việt Nam hiện đã trở thành đối tác ưu thích số một của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Nhật Bản liên tục từ năm 2009 đến nay.

Không chỉ có việc hợp tác kinh doanh, ngày càng nhiều các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn Việt Nam như một điểm đầu tư hấp dẫn như Tập đoàn Hitachi, Toshiba, Fujitsu…

Nhật Bản hiện tại là một trong 3 thị trường trọng điểm, lớn nhất của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam bên cạnh Bắc Mỹ và châu Âu.

Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác Công nghệ thông tin Việt Nam-Nhật Bản, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin cho biết Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường, tăng quy mô và chiều sâu trong hợp tác công nghệ thông tin với Nhật Bản nhưng để nắm bắt được làn sóng này, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định đây là chiến lược lâu dài và phải có sự đầu tư về nguồn lực với năng lực tiếng Nhật và khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Vì vậy, doanh nghiệp phải xác định rõ khi gia nhập vào thị trường Nhật không chỉ với tư cách một nhà cung cấp dịch vụ, mà với mong muốn trở thành đối tác cùng phát triển với các doanh nghiệp Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.