Việt Nam và Thụy Sĩ hợp tác nâng cao năng suất, cải thiện việc làm

Trong thời gian tới, Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua một chương trình mới về xây dựng hệ thống cải thiện năng suất lao động hướng tới việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2024.
Better Work (Việc làm tốt hơn) là dự án cải thiện điều kiện làm việc trong ngành dệt may (Ảnh: PV/Vietnam+)
Better Work (Việc làm tốt hơn) là dự án cải thiện điều kiện làm việc trong ngành dệt may (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiếp nối sự thành công của hai dự án cải thiện hiệu quả kinh doanh, điều kiện làm việc là Better Work (Việc làm tốt hơn) trong ngành dệt may và SCORE (Chương trình phát triển doanh nghiệp bền vững) trong ngành chế biến gỗ do Thụy Sĩ tài trợ, Việt Nam và Thụy Sĩ sẽ cùng triển khai các chương trình nâng cao năng suất lao động hướng tới việc làm thỏa đáng, hợp tác về nâng cao kỹ năng nghề...

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi "Đối thoại lao động và chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy an ninh việc làm Việt Nam-Thụy Sĩ " do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Tổng vụ Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ tổ chức ngày 26/10. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ hợp tác giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ.

Đại sứ Valérie Berset Bircher, Tổng Vụ Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ cho biết Thụy Sĩ thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển cho Việt Nam thông qua sự phối hợp chặt chẽ với ILO và các đối tác phát triển khác để triển khai hai chương trình Better Work, SCORE và đã đạt được những tiến bộ tích cực.

Chương trình Better Work tại Việt Nam đã đem lại những cải thiện đáng kể về điều kiện làm việc tại các nhà máy may mặc đồng thời thúc đẩy hiệu suất kinh doanh thông qua việc tuân thủ tốt hơn luật pháp quốc gia và các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Người lao động tại các nhà máy tham gia chương trình Better Work cho biết lương hàng tuần tăng và họ ít lo ngại hơn về việc phải làm tăng ca quá nhiều cũng như vấn đề bị lạm dụng hợp đồng thử việc. Các nhà máy nơi công nhân cho biết điều kiện làm việc được cải thiện thông qua chương trình cũng có lợi nhuận cao hơn.

[Quan hệ hợp tác Việt Nam-Thụy Sĩ đạt nhiều thành tựu sau 50 năm]

Một chương trình khác là SCORE hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành chế biến gỗ và nội thất cũng cho thấy đối thoại xã hội đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc cải thiện điều kiện làm việc mà còn góp phần tăng năng suất và khả năng cạnh tranh.

Khoảng 90% các doanh nghiệp tham gia chương trình SCORE tại Việt Nam cho biết chi phí giảm đi và một nửa trong số các doanh nghiệp báo cáo về việc giảm lỗi sản phẩm là kết quả chương trình đem lại.

Việt Nam và Thụy Sĩ hợp tác nâng cao năng suất, cải thiện việc làm ảnh 1Đối thoại lao động và chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy an ninh việc làm Việt Nam-Thụy Sĩ. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Theo Đại sứ Valérie Berset Bircher, trong thời gian tới, Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua một chương trình mới xây dựng hệ thống cải thiện năng suất lao động hướng tới việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2024. Chương trình sẽ bắt đầu thí điểm từ cuối năm nay. Chương trình mới tập trung vào sự hợp tác song phương, phối hợp trực tiếp giữa hai cơ quan của Chính phủ về các hoạt động xây dựng chính sách.

Bà Cao Thị Thanh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) bày tỏ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mong muốn hợp tác với Thụy Sĩ ở các lĩnh vực như: Đối thoại lao động; bảo hiểm thất nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm về các chính sách cho lao động dễ bị tổn thương; hợp tác phát triển kỹ năng đào tạo (bao gồm cả ngành quản lý khách sạn), tiến tới công nhận kỹ năng cho người lao động trên cơ sở chuẩn hoá lực lượng lao động theo khung kỹ năng nghề quốc gia...

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá trải qua 50 năm quan hệ ngoại giao, Việt Nam-Thụy Sỹ đã có những bước tiến đáng kể trên tất cả các lĩnh vực. Hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội cũng được quan tâm thúc đẩy trên cơ sở quan hệ giữa hai cơ quan của hai nước đã được thiết lập từ năm 2011.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng việc tăng cường tìm kiếm các cơ hội hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tại thời điểm hiện nay và trong tương lai sẽ giúp hai quốc gia cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Việc thực hiện đối thoại lao động và chia sẻ kinh nghiệm giữa hai quốc gia sẽ đưa ra những mô hình, giải pháp hiệu quả nhằm khôi phục thị trường lao động, hướng tới đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động sau COVID-19, tạo đà bứt phá và phát triển mạnh mẽ trong tương lai,” Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục