Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh Liên bang Thụy Sĩ (1/8/1291-1/8/2018), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã thực hiện phỏng vấn với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam, bà Beatrice Maser Mallor về mối quan hệ lâu năm và triển vọng hợp tác giữa hai quốc gia.
- Năm 2016, Việt Nam và Thụy Sĩ đã kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Xin bà cho biết những bước phát triển trong mối quan hệ giữa hai nước kể từ thời điểm đó đến nay?
Đại sứ Beatrice Maser Mallor: Tôi rất vui khi nói về mối quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ. Năm 2016, hai nước đã kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Chúng ta vẫn luôn hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Thụy Sĩ chỉ là một quốc gia có diện tích rất khiêm tốn ở châu Âu.
Hai bên vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc tham vấn chính trị định kỳ cũng như những chuyến thăm cấp cao, chẳng hạn các hoạt động chung tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos diễn ra vào tháng Một hàng năm. Đây là dịp để hai bên trao đổi về nhiều lĩnh vực hợp tác.
Bên cạnh đó còn có chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Môi trường, Năng lượng, Giao thông và Truyền thông Thụy Sĩ vào đầu tháng Tư vừa qua.
Nhân dịp này, hai bên đã trao đổi về những cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực nói trên.
Hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác hàng không tạo điều kiện cho việc mở đường bay thẳng Việt Nam-Thụy Sĩ, cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh-Zurich kể từ tháng 11 tới. Đây là cơ hội tăng cường trao đổi du lịch và thương mại giữa hai nước.
- Hợp tác kinh tế và thương mại cũng là trọng tâm trong mối quan hệ song phương. Bà có thể chia sẻ về những biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực này?
Đại sứ Beatrice Maser Mallor: Quan hệ thương mại giữa hai quốc gia phát triển tốt. Trao đổi thương mại ở mức cao. Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Thụy Sĩ. Chúng tôi rất thích các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là hoa quả và hải sản.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều sản phẩm y dược và công nghệ cao từ Thụy Sĩ. Cả hai quốc gia đều có những bổ sung có lợi cho nhau.
Tôi tin rằng mối quan hệ hợp tác song phương sẽ còn nhiều tiến triển một khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA (Thụy Sĩ, Na Uy, Lichtenstein, Iceland) đạt được.
Chúng tôi đã tiến hành nhiều vòng đàm phán với Việt Nam và hy vọng sớm hoàn tất hiệp định trong khi trao đổi thương mại vẫn trên đà tăng trưởng. Thực tế, Thụy Sĩ hiện đang đứng thứ tư trong số các quốc gia Tây Âu đầu tư vào Việt Nam.
Rất nhiều công ty của Thụy Sĩ như Nestlé, ABB, Schindler đã đặt trụ sở tại Việt Nam và sản xuất nhiều sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước, đồng thời tạo việc làm cho người dân Việt Nam.
[Thúc đẩy quan hệ hợp tác báo chí giữa Việt Nam và Thụy Sĩ]
Nếu Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng như hiện nay, các công ty này sẽ tạo dựng hình ảnh một môi trường đầu tư có lợi cho các doanh nghiệp khác. Đó là cơ sở để thu hút thêm không chỉ những doanh nghiệp Thụy Sĩ, mà cả các nhà đầu tư khác tới Việt Nam.
Đây là những lĩnh vực mà chúng ta đã hợp tác vô cùng hiệu quả, nhưng tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể tăng cường hơn nữa.
Tôi cũng muốn nói thêm một chút về hợp tác kinh tế mà Thụy Sĩ đã đồng hành cùng Việt Nam từ 30 năm qua.
Hiện nay, chúng tôi chú trọng hơn vào phát triển, nhằm hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng theo những mục tiêu đề ra.
Chúng tôi hỗ trợ Việt Nam cải thiện môi trường khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm tăng sức cạnh tranh và hoạt động hiệu quả bằng cách khai thác tốt nguồn lực. Chúng tôi cũng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển đô thị.
Đô thị là động lực cho tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề rác thải, ô nhiễm môi trường.
Hiện tại, Thụy Sĩ đang giúp đỡ một vài thành phố của Việt Nam trong các quy trình xử lý nước, quản lý mạng lưới điện và cải thiện cơ sở hạ tầng.
Một khía cạnh khác mà tôi muốn nhắc tới đó chính việc thiết lập các thể chế bền vững và hiệu quả. Chúng tôi đang hỗ trợ Bộ Tài chính trong việc quản lý tài chính công.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang nhận được trợ giúp từ Thụy Sĩ trong việc thiết lập dịch vụ tài chính ổn định và chuyên nghiệp hơn.
- Du lịch cũng là một trong những điểm nhấn trong quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ. Bà có thể đánh giá những tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này?
Đại sứ Beatrice Maser Mallor: Du lịch chính là cơ hội để giúp hai bên hiểu về nhau hơn. Cả hai đất nước đều vô cùng đẹp. Tôi đã ở Việt Nam từ 3 năm nay, tôi rất thích du lịch tại đất nước các bạn.
Cuối tuần trước, tôi đã tới Sa Pa, nơi đây gợi lại trong tôi hình ảnh quê nhà với những ngọn núi cao. Dĩ nhiên, Sa Pa có nhiều ruộng lúa, còn Thụy Sĩ chỉ có băng tuyết, nhưng khung cảnh có nhiều nét tương đồng.
Tôi có thể khẳng định du lịch giữa hai quốc gia sẽ phát triển. Sắp tới, với đường bay thẳng Zurich-Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ có thêm nhiều khách du lịch Việt Nam đến Thụy Sĩ và ngược lại, Việt Nam vẫn luôn là một trong những điểm đến ưa thích của du khách Thụy Sĩ.
Theo ước tính, khoảng 30.000 lượt du khách Thụy Sĩ đã tới Việt Nam trong năm vừa qua. Tôi cho rằng, nếu điều kiện cấp thị thực được cải thiện, chẳng hạn đưa Thụy Sĩ vào hệ thống thị thực điện tử của Việt Nam, con số trên chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa.
- Bà có thể chia sẻ thêm những hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sĩ đối với du học sinh Việt Nam theo học tại đây?
Đại sứ Beatrice Maser Mallor: Thụy Sĩ vẫn cấp những suất học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh. Đặc biệt, chúng tôi có những suất học bổng tài năng của chính phủ.
Học bổng này được dành cho các sinh viên đi học cao học, cho nghiên cứu sinh và cho cả nghệ sỹ. Sinh viên có thể gửi hồ sơ, chúng tôi sẽ lựa chọn những ứng viên ưu tú nhất.
Ngoài ra, một số viện cũng cấp học bổng đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực quản trị công hay hành chính. Mới đây, một sinh viên Việt Nam đã được nhận học bổng tại Đại học Bách khoa Zurich.
Một số tổ chức quốc tế như Trung tâm chính sách an ninh thành phố Genève (GPSC) cũng cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam theo học các khóa học ngắn hạn về an ninh quốc tế, quốc phòng, ngoại giao…
Chúng tôi đã tài trợ cho nhiều chương trình hợp tác giữa các trường đại học của Thụy Sĩ và Việt Nam, chẳng hạn, chương trình đào tại tại chỗ ở Hà Nội trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học Hà Nội và Viện nghiên cứu quốc tế và phát triển cao cấp tại Genève (HEI) trong lĩnh vực chính trị và phát triển.
Thực tế, chúng tôi cũng không có nhiều suất học bổng giá trị lớn cho sinh viên như các quốc gia nói tiếng Anh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn dành những suất chọn lọc cho sinh viên Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn bà Đại sứ!