Việt Nam vẫn là địa chỉ tiếp nhận đầu tư an toàn, thân thiện

Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư khẳng định Việt Nam sẽ liên tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh nhằm duy trì địa chỉ đầu tư an toàn, thân thiện
Việt Nam vẫn là địa chỉ tiếp nhận đầu tư an toàn, thân thiện ảnh 1Xây dựng Nhà máy LG với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Thời gian qua, dòng vốn đầu tư đã trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, Việt Nam sẽ liên tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh để hấp dẫn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhằm duy trì hình ảnh của một địa chỉ tiếp nhận đầu tư an toàn và thân thiện.

Khắc phục hạn chế, nâng tầm cạnh tranh

Với 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, tính đến tháng Năm năm nay, cả nước đang có hơn 16.320 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 237 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, gia tăng kim ngạch và thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho người lao động….

Đồng thời, đầu tư nước ngoài cũng có tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý và môi trường đầu tư-kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong khu vực và trên thế giới diễn ra ngày một gay gắt, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

Trên thực tế, sau giai đoạn hứng khởi khi Việt Nam mới gia nhập WTO, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đang có xu hướng chững lại trong mấy năm gần đây. Cụ thể, năm 2011 vốn FDI đăng ký vào Việt Nam chỉ đạt gần 15,6 tỷ USD, giảm 21,6% so với năm 2010 nhưng lượng vốn giải ngân vẫn được duy trì ở mức 11 tỷ USD, ngang bằng với năm 2010. Tuy nhiên, đến năm 2012, lượng vốn đăng ký tuy có tăng 4,8%, đạt 16,35 tỷ USD, song lượng vốn giải ngân lại sụt giảm nhẹ, chỉ đạt 10,46 tỷ USD.

Riêng năm 2013, lượng vốn đăng ký lên tới 22,35 tỷ USD, tăng 36,7% so với năm 2012; vốn giải ngân cũng đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9%. Năm tháng đầu năm nay, lượng vốn FDI đăng ký đạt 5, 5 tỷ USD, bằng 65,7% nhưng lượng vốn giải ngân vẫn duy trì được tốc độ đạt 4 ,6 tỷ USD, tăng 0,4%.

Theo nhiều chuyên gia, tốc độ tăng trưởng trong việc thu hút FDI của Việt Nam vẫn kém nhiều quốc gia trong khu vực. Hiện, những dự án FDI đầu tư vào Việt Nam đa phần là nhỏ; trong đó, những dự án từ 100 triệu đến 500 triệu USD chỉ chiếm 1,51%, từ 500 triệu đến 1 tỷ USD chỉ chiếm 0,19% và trên 1 tỷ USD chiếm 0,2%.

Giải thích vấn đề trên, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong việc thu hút, sử dụng vốn FDI, đó là: tiền đề thu hút FDI như hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp hỗ trợ… chưa tốt. Bên cạnh đó hệ thống pháp luật, chính sách chồng chéo, mâu thuẫn...

Một số quy định hiện hành chưa phù hợp như chính sách ưu đãi đầu tư, vấn đề lao động và quản lý lao động nước ngoài; quy định về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp chưa rõ ràng, khó thực hiện; chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn; cơ chế giải quyết tranh chấp chưa rõ ràng. Ngoài ra là những bất cập về công nghệ và chuyển giao công nghệ.

Ông Yoshihisa Maruta, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho biết, thủ tục hành chính còn phức tạp, thủ tục thuế rườm rà, hệ thống pháp luật thiếu hoàn thiện...

Thẳng thắn nhìn nhận về những hạn chế liên quan đến các thủ tục hành chính về đầu tư-kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư-kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về FDI.

Cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính

Từ thực tế này, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút FDI, Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính. Đi đôi với đó là cải thiện cơ sở hạ tầng; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; điều chỉnh quy định về công nghệ và chuyển giao công nghệ, cũng như nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút FDI theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại...

Theo giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần tạo ra một số đột phá theo yêu cầu cải cách thể chế, để khắc phục được những khiếm khuyết hiện tại, tạo tiền đề để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh hơn, bền vững hơn.

Trên cơ sở đó, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) phải xử lý đồng thời hai nhược điểm chủ yếu. Thứ nhất là chưa hình thành được hành lang pháp lý thông thoáng để tạo tiền đề cho doanh nghiệp được quyền tự chủ thực hiện ý tưởng, sáng kiến trong kinh doanh và đầu tư. Thứ hai là còn nhiều kẽ hở về luật pháp nên vừa không bảo vệ được hành vi kinh doanh chân chính, vừa bị doanh nghiệp lợi dụng để tiến hành các hoạt động bất chính.

Theo bà Liu Mei Teh, Chủ tịch Hội Thương gia Đài Loan, các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, bên cạnh mong muốn có được những chính sách ưu đãi để đạt được hiệu quả cao trong đầu tư còn mong muốn đóng góp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam, giúp kinh tế Việt Nam phát triển. "Vì vậy, chúng tôi mong muốn sẽ tìm được tiếng nói chung, sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà đầu tư, người lao động và Chính phủ Việt Nam vì lợi ích chung của tất cả hai bên,” đại diện này nhấn mạnh.

Ông Roman Kuebler, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn B.Brauns Vietnam cho hay, với mục tiêu nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 270 triệu USD, Tập đoàn đa quốc gia B.Brauns mong muốn môi trường đầu tư của Việt Nam, nhất là các chính sách về đầu tư cần rõ ràng, minh bạch và hiệu quả hơn; đồng thời, cải cách kinh tế của Việt Nam tiếp tục được tăng tốc, cơ sở hạ tầng được cải thiện, cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch diễn ra mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển theo hướng cạnh tranh hơn, nhờ vậy sẽ tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh tại đây. Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng rất nhiều vào việc Việt Nam sẽ hoàn tất việc ký kết các hiệp định thương mại, đại diện Công ty Tài chính quốc tế (IFC), ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực đã cho biết như vậy.

Nhiều ý kiến của các địa phương cũng cho rằng, sẽ chú trọng tăng cường thu hút các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia.

Từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ; khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển dần từ gia công sang sản xuất. Mặt khác, lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín đầu tư phát triển thị trường tài chính; đồng thời, chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế, từng địa phương…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.