Nằm trong top 30 quốc gia có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới, Việt Nam đang tiếp tục chứng minh sự hấp dẫn qua việc chào đón hai nhà đầu tư ngoại ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2018.
Vì thế, việc phát triển các phương thức bán lẻ mới; trong đó có ứng dụng thương mại điện tử là giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh.
Thị trường hấp dẫn
Việt Nam là quốc gia có dân số đông, hơn 90 triệu người; trong đó người trẻ chiếm tỷ lệ cao. Đây là lợi thế đầu tiên để ngành bán lẻ thuận lợi phát triển, bởi khả năng thay đổi thói quen tiêu dùng dễ hình thành ở bộ phận chiếm số đông này.
Chính vì thế, sau cái "bắt tay" với Tập đoàn Xiaomi (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Thế giới Số (Digiworld) đã mở cửa hàng Mi Store đầu tiên tại Việt Nam, nơi phân phối các sản phẩm của Xiaomi như điện thoại, vòng đeo tay sức khỏe, sạc pin dự phòng, đèn LED, máy hút bụi, nồi cơm điện, máy lọc nước…
Dự kiến đến cuối năm 2018, Mi Store sẽ "phủ sóng" tại 15 thành phố lớn của Việt Nam.
Kế đó, G25 cũng đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh sau khi thành lập liên doanh với Sonkimland để trở thành thương hiệu Hàn Quốc đầu tiên dấn thân vào "cuộc chiến" cửa hàng tiện lợi khốc liệt tại Việt Nam.
Hãng bán lẻ này không giấu tham vọng chinh phục thị trường khi đặt mục tiêu mở hơn 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm tới.
Theo giới phân tích, kể từ sau khi chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO (năm 2007), Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ.
[Người Việt đã chi tiêu 361.100 tỷ đồng trong tháng Một]
Kết quả sự tăng trưởng nhanh của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong những năm qua cho thấy tiêu dùng trong nước luôn là một động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Mặt khác, tốc độ tăng tiêu dùng cao chính là yếu tố quan trọng đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng.
Đặc biệt thời gian qua thị trường liên tục chứng kiến hàng loạt vụ chuyển nhượng và sáp nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ với giá trị rất lớn. Nổi bật là vụ Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan) mua lại chuỗi siêu thị Metro Việt Nam; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại của Big C Việt Nam…
Ở trong nước, Tập đoàn Vingroup đã lần lượt thâu tóm chuỗi siêu thị Ocean Mart, Vinatexmart, Maximark.
Cùng với mua bán và sáp nhập, hàng loạt nhà bán lẻ hàng đầu trong khu vực cũng đẩy mạnh việc tìm kiếm và hợp tác với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước để phát triển các điểm bán tại Việt Nam, như Tập đoàn Mapletree và Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore) bắt tay với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)…
Đánh giá về tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, cả nước hiện mới có khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi, vài trăm siêu thị và trung tâm thương mại… còn quá ít nếu so sánh với tỷ lệ hơn 90 triệu dân.
[Doanh nghiệp Việt ‘loay hoay’trong thế giới biến đổi]
Mặt khác, các doanh nghiệp bán lẻ Việt có năng lực như Saigon Coop, VinGroup… chưa nhiều nên đây là phân khúc thị trường màu mỡ cho các nhà bán lẻ nước ngoài đến đầu tư.
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, các nhà đầu tư nước ngoài có thế mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu, dễ dàng chọn lựa Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Không những thế, nguồn hàng tại chỗ của nước ta rất dồi dào, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, là điều kiện tốt để phát triển các hình thức bán lẻ hiện đại.
Vì vậy, bên cạnh việc phát triển siêu thị, trung tâm thương mại, mô hình cửa hàng tiện lợi cũng đang là hình thức được nhiều doanh nghiệp ưu tiên đầu tư do có đặc tính nằm sâu trong khu dân cư, đa dạng mặt hàng, dễ dàng mua sắm, kể cả với số lượng rất ít nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng...
Nâng chất cho doanh nghiệp
Theo đánh giá của các chuyên gia thương mại, thị trường bán lẻ đã có sự mở cửa nhưng cánh cửa này vẫn chưa thật sự đủ rộng rãi để nhằm mục tiêu bảo vệ các nhà bán lẻ nội địạ. Vì vậy, để tránh mất thời gian và công sức, các nhà bán lẻ nước ngoài chủ yếu tập trung vào chiến lược M&A bởi ba lý do: nhanh chóng, dễ dàng và an toàn.
Nhanh là nhờ có sẵn sự hỗ trợ, dễ là không bị vướng mắt nhiều vấn đề thủ tục pháp lý, giấy tờ… và cuối cùng là an toàn nhờ có lượng khách ổn định. Nếu so với những hình thức đầu tư truyền thống thì chiến lược này giúp tiết kiệm cả tiền, công sức lẫn thời gian.
Ước tính của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho thấy, khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Nghe có vẻ khá khiêm tốn nhưng trên thực tế, con số này được ước lượng cao hơn.
Trên cơ sở đó, trong tương lai, hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ nội có khả năng bị thu hẹp hơn do thiếu kinh nghiệm, quy mô đầu tư và nguồn nhân lực.
Nếu làm một phép so sánh sẽ thấy có rất nhiều sự khác biệt qua sự bài bản, cẩn trọng và chiến lược, tầm nhìn dài hạn của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam lại được đánh giá là linh hoạt, dễ thích ứng vì thấu hiểu được thói quen và văn hóa người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ở sân chơi quốc tế thì sự linh hoạt này không còn là ưu điểm dù thế mạnh đó có thể áp dụng cho một số thị trương mới ở các tỉnh. Nếu muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng những chiến lược dài hơn, xa hơn và chú trọng hơn việc xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để chuẩn bị cho "cuộc đua" cần sức bền này.
Theo các chuyên gia, năm 2018, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp; trong đó có một số xu hướng đáng chú ý.
Cụ thể, báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen chỉ rõ, năm 2017, ngành hàng tiêu dùng nhanh ở khu vực nông thôn ghi nhận mức tăng trưởng 7%, gấp đôi khu vực thành thị.
Với ngành hàng bánh kẹo, trong khi khu vực thành thị một số nơi có mức tăng trưởng âm thì khu vực nông thôn lại có mức tăng 15%. Thậm chí, thị trường nông thôn trở thành thị trường chính của không ít các thương hiệu.
Do đó, năm 2018 và những năm tiếp theo, khu vực nông thôn vẫn hấp dẫn các nhà sản xuất. Nếu doanh nghiệp tận dụng được lợi thế của kênh bán hàng truyền thống và phát triển mạng lưới phân phối tốt sẽ có nhiều khả năng chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này.
Để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không bị tụt hậu, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng: “Chúng ta cần thay đổi ngành bán lẻ hướng tới tiếp tục tăng trưởng và bảo đảm tính cạnh tranh. Mà muốn thay đổi thì nhất thiết phải có chiến lược cụ thể, thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo và nếu ai chậm chân trong lĩnh vực này sẽ thua và ra khỏi thị trường."
Ngoài ra, cần áp dụng công nghệ cho phân phối bán lẻ bởi người tiêu dùng ngày càng có xu hướng dành nhiều ưu tiên cho mua sắm trực tuyến. Do sử dụng thành thạo công nghệ, người tiêu dùng có xu hướng đặt hàng qua mạng hoặc dùng các ứng dụng di động để tìm kiếm các đơn hàng giá tốt, các đợt giảm giá, khuyến mại…
Cùng đó, cần đầu tư hệ thống hậu cần mạnh với lượng hàng hóa dồi dào, có chất lượng. Bên cạnh đó, đề cao chữ tín trong kinh doanh, vì với hình thức mua bán trực tuyến, uy tín là điều quan trọng nhất giúp giữ chân khách hàng.
Theo Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đang được Bộ Công Thương xin ý kiến các bộ, ngành, tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 ước tính đạt khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 đạt 14%/năm.
Xác định thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng, mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước phát triển. Các chuyên gia kỳ vọng, đây là giải pháp cấp thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam./.