Việt Nam xác định kinh tế xanh là động lực tăng trưởng trong dài hạn

Chiến lược phát triển của Việt Nam xác định trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh và bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã và đang được xác định là một trong những trọng tâm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới trong những nằm gần đây.

Phát biểu tại phiên kỹ thuật-Diễn đàn Doanh nghiệp Việt nam thường niên (VBF), ngày 17/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định Việt Nam cũng là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh.

Xu thế tất yếu

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, ngay từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh, như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn.

Tái khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, hướng tới khát vọng phát triển nhanh và bền vững, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Tăng trưởng Xanh Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch Hành động Quốc gia về Tăng trưởng Xanhh giai đoạn 2021-2030, hướng tới nền Kinh tế Xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

[Nhật Bản và Việt Nam: Nhiều tiềm năng hợp tác]

“Việc chuyển hướng sang phát triển Knh tế Xanh là xu thế tất yếu. Theo đó, mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến nhằm thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh -xã hội 10 năm 2021-2030 đồng thời tạo cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới,” bà Ngọc nói.

Xác định Kinh tế Xanh, Chuyển đổi Xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp.

Việt Nam xác định kinh tế xanh là động lực tăng trưởng trong dài hạn ảnh 1Phát triển xanh, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu. (Ảnh: Vietnam+)

“Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn xác định cộng đồng doanh nghiệp có vai trò quan trọng, tích cực trong thực hiện các mục tiêu kinh tế xanh và tăng trưởng bền vững,” Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đại diện các nhóm công đã đưa ra nhiều đóng góp liên quan đến xây dựng thể chế, chính sách và phản ánh vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp nhằm tìm ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất-kinh doanh đồng thời cam kết trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Ông John Rockhold, đại diện nhóm công tác điện và năng lượng của VBF chia sẻ Việt Nam không phải ngoại lệ trong xu thế chuyển dịch năng lượng. Hơn nữa, quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam còn đi song hành với sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Việc chuyển dịch năng lượng còn mang lại cơ hội việc làm và xu hướng này sẽ ngày càng nhân rộng, tạo ra điều kiện cần thiết cho sự phát triển của năng lượng tái tạo.

“Từ góc độ phát triển kinh tế khu vực tư nhân, chúng tôi rất mong muốn các dự án điện mới sẽ giúp nâng cao năng lực doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư quốc tế lớn không chỉ mang lại lợi ích về thuế mà còn tạo ra năng lượng cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, giúp nâng cao năng lực cho các công ty Việt Nam trong tương lai với các nhà lãnh đạo có kỹ thuật và kỹ năng quản lý cần thiết. Do đó, tất cả các dự án điện mới nên thu hút sự tham gia của các công ty trong nước bất cứ khi nào có thể từ khâu lập kế hoạch đến xây dựng và vận hành cũng như hỗ trợ đào tạo kỹ năng và nâng cao năng lực của tổ chức,” ông John Rockhold nói.

Đại diện nhóm công tác môi trường, ông Micheal Digregorio cho biếttrong những năm gần đây, khu vực tư nhân đã tăng cường áp dụng các nguyên tắc tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược và kế hoạch phát triển của mình.

Theo ông Micheal Digregorio, động lực cho điều này đến từ ba yếu tố chính, bao gồm việc giải quyết biến đổi khí hậu, yêu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ và các quy định của Chính phủ.

Nhóm công tác môi trường cho rằng cần có cách tiếp cận mới trong bảo vệ môi trường, bởi thu gom xử lý rác thải chỉ là khâu nhỏ trong lộ trình thực hiện phát triển bền vững, đã đến lúc cần nghiên cứu quy định doanh nghiệp phải đáp ứng tỷ lệ tái chế nhất định.

Bên cạnh đó, ông Micheal Digregorio chia sẻ những ý kiến đề xuất liên quan đến các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, như phương pháp ước tính tỷ lệ tái chế và đóng góp cho quỹ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, theo ông Micheal Digregorio, hiện mới chỉ có các doanh nghiệp trong nước là thành viên của hội đồng trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

“Các cuộc trao đổi trước đây cho thấy rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chuyển phần quỹ này đến các công ty tái chế công nghệ cao mà bộ muốn thành lập. Chúng tôi tin rằng lựa chọn tốt hơn là sử dụng một phần số tiền này để nâng cấp các cơ sở được sử dụng bởi các đơn vị tái chế hiện hữu,” ông ông Micheal Digregorio đề xuất.

Việt Nam xác định kinh tế xanh là động lực tăng trưởng trong dài hạn ảnh 2Ảnh minh họa (Hùng Võ/Vietnam+)

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định phát triển xanh, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu và Chính phủ Việt Nam xác định đây là lựa chọn tối ưu cho phát triển bền vững, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, nguồn lực thực hiện cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam, cần có sự đồng hành của khu vực doanh nghiệp.

Thứ trưởng Ngọc cũng ghi nhận nhiều ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp rất xác đáng, chạm vào những vấn đề mang tính cốt lõi, thực tiễn như đối với dự án hạ tầng các vấn đề hiện hữu hiện nay là bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ, áp dụng luật nước ngoài, chính sách đảm bảo đầu tư…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.