Vietcombank đẩy mạnh nghiên cứu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Những đổi mới trong công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần kiến tạo môi trường sáng tạo, phát huy tính tích cực, góp phần vào hoạt động hiệu quả kinh doanh của Vietcombank.
PGS.TS. Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc NHNN cùng các thành viên Hội đồng tặng hoa chúc mừng đề tài cấp Bộ của Vietcombank được đánh giá xuất sắc. (Ảnh: Vietnam+)

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sức ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội, trong đó có ngành ngân hàng. Trong xu thế đó, ngành ngân hàng hiện đang đứng trước sự chuyển đổi mạnh từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình “Ngân hàng số.” Bởi vậy, giữa các ngân hàng thương mại hiện nay không chỉ có cuộc cạnh tranh về sản phẩm, lãi suất... mà còn tồn tại cuộc đua khốc liệt hơn mang tên “công nghệ số.”

Đứng trước những cơ hội và thách thức, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phải đổi mới một cách đồng bộ để phù hợp với xu thế được xem là một “cuộc cách mạng” mà trong đó, hoạt động khoa học và công nghệ góp phần rất lớn trong việc cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản trị điều hành, quản lý và triển khai hoạt động kinh doanh hiệu quả; nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ, gia tăng sự hài lòng của khách hàng; nâng cao năng lực chuyên môn, tạo nguồn cán bộ giỏi cho các lĩnh vực hoạt động của Vietcombank, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

[Vietcombank cung cấp dịch vụ thứ 1.000 trên cổng Dịch vụ công Quốc gia]

Vietcombank cũng thường xuyên phối hợp với Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, Viện Ngân hàng-Tài chính, các trường đại học trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề và tiếp tục mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước.

Đặc biệt, năm 2019, với việc thành lập Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank. Cùng năm này, với ra đời của của nhóm nghiên cứu Vietcombank do Ban Lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo và tham gia, bước đầu đã cho ra mắt nhiều báo cáo phân tích kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế; kinh tế ngành; đánh giá các chính sách kinh tế; phân tích, dự báo tác động và đưa ra các đề xuất, kiến nghị, tham mưu về chiến lược và kế hoạch kinh doanh, quản trị rủi ro, định hướng phát triển dịch vụ và ứng dụng công nghệ mới... cho công tác quản trị điều hành của Vietcombank.

Bên canh đó, Vietcombank với tiềm lực nhân sự mạnh, trên 90% lực lượng lao động có trình độ đại học và trên đại học, đây cũng có thể được coi là một thế mạnh trong công tác nghiên cứu khoa học. Cùng với những thuận lợi về vị thế, môi trường làm việc, cơ chế, chính sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học... là tiền đề để hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu và có tính ứng dụng thực tế cao.

Nếu giai đoạn 2018 trở về trước, hoạt động nghiên cứu khoa học thường chỉ tập trung tại trụ sở chính thì đến nay, hoạt động nghiên cứu khoa học được lan tỏa đến tất cả các chi nhánh, đơn vị trong hệ thống Vietcombank.

Năm 2018, từ cuộc thi sáng kiến “Đổi mới - sáng tạo để phát triển và hội nhập” đã có hơn 1.000 sáng kiến đăng ký từ cấp cơ sở, trong đó có 266 sáng kiến được lựa chọn tham gia cấp hệ thống. Năm 2019, Vietcombank có gần 400 đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó số nhiệm vụ khoa học và công nghệdưới hình thức đề tài nghiên cứu cấp Vietcombank tăng 26,7% so với năm 2018.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các cơ sở đào tạo bồi dưỡng trong hệ thống ngân hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Năm 2020, bên cạnh 4 đề tài khoa học cấp ngành được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ bổ sung gồm có có 5 đề tài cấp Vietcombank, 1 sáng kiến, 1 hội thảo được Hội đồng khoa học Vietcombank phê duyệt triển khai. Nội dung nghiên cứu đa dạng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đặt ra, gắn với từng lĩnh vực, nghiệp vụ cụ thể. Các đề tài, sáng kiến được công nhận có đóng góp quan trọng phục vụ hoạt động kinh doanh, trở thành nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho nhiều cán bộ nhân viên.

Trong 9 tháng qua, Vietcombank đã nghiệm thu 13 đề tài thuộc danh mục khoa học công nghệ năm 2018, 35 sáng kiến thuộc danh mục khoa học công nghệ năm 2019, tổ chức 4 tọa đàm khoa học; có 04 đề tài cấp Bộ được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt triển khai. Tháng 7/2020, đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ của Vietcombank “Định hướng và các giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu thu nhập của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam” do Tiến sỹ Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng khoa học Vietcombank làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu.

 Các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu đề tài cấp Bộ của Ngân hàng Nhà nước đều đánh giá rất cao về chất lượng của kết quả nghiên cứu, đặc biệt là những tổng hợp phân tích về thực trạng cơ cấu thu nhập của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam và tính khả thi của các giải pháp với những kết quả thành công bước đầu trong việc áp dụng các giải pháp này vào thực tiễn tại Vietcombank.

Hội đồng thống nhất đánh giá đây là một công trình nghiên cứu có tính khoa học và chuyên môn sâu, có giá trị ứng dụng thực tiễn rất cao. Tổng hợp kết quả, đề tài “Định hướng và các giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu thu nhập của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam” đã được Hội đồng đánh giá nghiệm thu ở mức xuất sắc (95 điểm). Đây là một trong số ít các đề tài cấp Bộ của Ngân hàng Nhà nước được nghiệm thu ở mức xuất sắc trong nhiều năm qua.

Với những đổi mới và kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học tại Vietcombank thời gian qua đã góp phần vào kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng và những đổi mới mạnh mẽ về quản trị, điều hành của Vietcombank trong hành trình chinh phục mục tiêu trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực và top 300 tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục