Vietfood&Beverage-Propack Vietnam: Mở cơ hội hợp tác ngành thực phẩm, đồ uống

Vietfood&Beverage-Propack Vietnam 2024 có quy mô lên tới 350 gian hàng, quy tụ 300 doanh nghiệp đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, dự kiến sẽ tiếp đón hơn 10.000 lượt khách tham quan.

Sự kiện có quy mô lên tới 350 gian hàng, quy tụ 300 doanh nghiệp đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Sự kiện có quy mô lên tới 350 gian hàng, quy tụ 300 doanh nghiệp đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm-Đồ uống & Thiết bị Công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống lần thứ 10 tại Hà Nội (Vietfood&Beverage-Propack Vietnam 2024) sẽ diễn ra từ ngày 6/11 đến 9/11 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (ICE), số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sự kiện có quy mô lên tới 350 gian hàng, quy tụ 300 doanh nghiệp đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, dự kiến sẽ tiếp đón hơn 10.000 lượt khách tham quan.

Theo đại diện Ban Tổ chức, trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng này là ngành thực phẩm và đồ uống (F&B). Lý do là bởi ngành F&B tại Việt Nam sở hữu những lợi thế về thị trường với gần 100 triệu dân; nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng và cơ sở sản xuất, chế biến đa dạng…

Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) dự đoán thị trường ngành F&B Việt Nam sẽ đạt mốc 655.000 tỷ đồng, giá trị tăng thêm khoảng 10,92% so với năm trước 2023, trở thành một trong những quốc gia có khả năng phát triển vượt trội trong 5 năm tới.

Riêng tại miền Bắc, năm 2024 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình kinh doanh thực phẩm và đồ uống, điển hình là sự nở rộ những thương hiệu mới với thế mạnh bắt nhịp xu hướng, thu hút lượng lớn khách hàng trẻ, kéo theo hoạt động nhượng quyền thương hiệu tăng mạnh từ các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, cho đến nhiều tỉnh, thành lân cận.

Đặc biệt, trong báo cáo thị trường của iPOS.vn, những tháng đầu năm 2024, số lượng các cửa hàng dịch vụ ăn uống tại miền Bắc, hay cụ thể là Hà Nội đã tăng lên nhanh chóng, chiếm tỷ trọng lớn (~23,3%) và trở thành khu vực đứng thứ 2 cả nước về kinh doanh F&B...

Những dấu hiệu tích cực trên khiến cho ngành F&B tại Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp kinh doanh-sản xuất phải luôn thay đổi, tìm ra phương thức mới tiếp cận thị trường.

Do đó, Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm-Đồ uống & Thiết bị Công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống lần thứ 10 tại Hà Nội do công ty VINEXAD tổ chức nhằm mở thêm cơ hội cho các công ty kinh doanh trong ngành F&B gặp gỡ, giao lưu và thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả.

64DB4DBD-C91D-40D5-987B-58A53571F4A1.jpeg
Nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm-đồ uống. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Vietfood&Beverage-Propack Vietnam 2024 thu hút nhiều doanh nghiệp tên tuổi, như: công ty Tân Nhất Hương- công ty tiên phong trong lĩnh vực sản xuất và xuất nhập khẩu nguyên liệu ngành bánh ở Việt Nam và cũng là doanh nghiệp đầu tiên thành công xây dựng nhà máy sản xuất kem trong nước.

Tại khu vực gian hàng thực phẩm, tập đoàn TH mang đến thương hiệu TH true food với các sản phẩm đồ ăn tiện lợi như thịt xông khói, xúc xích, gạo, hoa quả sấy… Còn khu gian hàng đồ uống là sự góp mặt của thương hiệu Golden Farm-Cánh đồng vàng, chuyên cung cấp các sản phẩm như mứt, sinh tố, siro… từ trái cây tươi để sử dụng trực tiếp hoặc làm nguyên liệu nấu ăn cho gia đình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.