VietinBank vào tốp 400 thương hiệu ngân hàng lớn nhất thế giới

Theo Hãng tư vấn Brand Finance, VietinBank đã tăng 58 bậc, hiện đứng ở vị trí thứ 379 với giá trị thương hiệu đạt 249 triệu USD, mức đánh giá thương hiệu A+.
VietinBank vào tốp 400 thương hiệu ngân hàng lớn nhất thế giới ảnh 1Giao dịch tại VietinBank. (Nguồn: VietinBank)

Hãng tư vấn Brand Finance vừa công bố Báo cáo xếp hạng tốp 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới năm 2016 (Banking 500 - The world’s most valuable banking brands).

Theo công bố này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đã có bước nhảy vọt tăng 58 bậc chỉ trong 1 năm, hiện đứng ở vị trí thứ 379; giá trị thương hiệu đạt 249 triệu USD, mức đánh giá thương hiệu A+. Như vậy, VietinBank đã ngoạn mục vươn lên Top 400 thương hiệu ngân hàng toàn cầu.

Giá trị thương hiệu tăng 26%

Trước đó năm 2015, VietinBank được xếp thứ 437 với giá trị thương hiệu 197 triệu USD, là thương hiệu ngân hàng số 1 tại Việt Nam.

Đánh giá về kết quả xếp hạng giá trị thương hiệu VietinBank, ông Samir Dixit, Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Brand Finance cho biết: “Với giá trị thương hiệu tăng đến 26% và sự tăng cường sức mạnh thương hiệu trong năm qua, VietinBank đã vươn lên tốp 400 ngân hàng toàn cầu - đó thực sự là một thành quả lớn. Thử thách tiếp theo là lọt vào tốp 300 thương hiệu toàn cầu, chắc chắn là một nhiệm vụ không dễ dàng, đòi hỏi sự tập trung mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của VietinBank vào việc tăng cường sức mạnh thương hiệu, bên cạnh tăng trưởng về lợi nhuận.”

VietinBank vào tốp 400 thương hiệu ngân hàng lớn nhất thế giới ảnh 2(Nguồn: VietinBank)

Kết thúc năm 2015, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 779.000 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2014 và đạt 104% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao; dư nợ tín dụng đạt số dư 674.000 tỷ đồng, tăng 24,2% và đạt 109,9% kế hoạch, trong đó, cho vay nền kinh tế đạt 537.000 tỷ đồng, tăng 22,1% so với đầu năm.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank năm 2015 là 7.360 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch. Đặc biệt tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng là 0,85%, thấp hơn mức bình quân toàn ngành. Theo đó, tổng tài sản đạt 779.000 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2014 và đạt 104% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao; dư nợ tín dụng đạt số dư 674.000 tỷ đồng, tăng 24,2% và đạt 109,9% kế hoạch; trong đó, cho vay nền kinh tế đạt 537.000 tỷ đồng, tăng 22,1% so với đầu năm.

“Rinh” nhiều giải thưởng lớn

Từ năm 2012 đến nay, với 4 lần đứng trong Bảng xếp hạng uy tín này, VietinBank đã chứng minh giá trị thương hiệu cũng như khả năng phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả.

VietinBank không chỉ tăng trưởng đột phá trong kinh doanh với quy mô vốn lớn nhất, chất lượng tài sản tốt nhất, định vị thương hiệu dẫn đầu hệ thống Ngân hàng Việt Nam mà còn liên tiếp ghi danh trên bản đồ quốc tế. Bên cạnh tốp 400 thương hiệu ngân hàng toàn cầu, VietinBank cũng là ngân hàng duy nhất của Việt Nam 4 năm liền (từ 2012-2015) được Forbes xếp hạng trong tốp 2000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó là các danh hiệu tốp 10 giải thưởng Sao vàng Đất Việt 6 năm liên tiếp; 3 năm liền có mặt trong Bảng xếp hạng FAST500, lần thứ 11 liên tiếp nằm trong tốp 10 thương hiệu mạnh.

Sự ghi nhận và tôn vinh của các giải thưởng này đã là động lực để VietinBank tiếp tục nỗ lực khẳng định vị thế tại Việt Nam và sẵn sàng vươn ra sân chơi toàn cầu. Với mục tiêu chiến lược là trở thành ngân hàng tầm cỡ khu vực, VietinBank đang từng bước tối đa hóa tiềm lực kinh tế, chiến lược kinh doanh, đồng thời không ngừng tìm kiếm cơ hội dẫn đầu và gia nhập các nhóm thương hiệu mạnh của khu vực.

Được biết, năm 2016, ngoài VietinBank còn có thêm một vài thương hiệu trong ngành ngân hàng lọt vào danh sách này.

Ông Samir Dixit cho rằng, điều này cho thấy thị trường Việt Nam ngày càng quan tâm tập trung cho thương hiệu và chuyển hướng khai thác lợi thế thương hiệu bên cạnh giá cả và tính khác biệt của sản phẩm. Tại khu vực ASEAN, có 32 ngân hàng được lọt vào tốp 500 này, trong đó 3 ngân hàng DBS, OCBC, UOB đang sở hữu giá trị thương hiệu lớn nhất. Năm nay, ngân hàng Wells Fargo (Mỹ) vẫn tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới với giá trị thương hiệu trên 44 tỷ USD.

Brand Finance là hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, thành lập năm 1996, trụ sở chính tại London. Phương pháp định giá thương hiệu của Brand Finance sử dụng hệ số Royalty Rate (phí bản quyền). Cách tiếp cận này bao gồm việc xác định lợi nhuận trong tương lai do thương hiệu đem lại và tính toán mức phí bản quyền mà một đơn vị muốn sử dụng thương hiệu phải chi trả. Đây là phương pháp định giá được chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.