Vietjet đạt lợi nhuận hơn 460 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm

Vietjet tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát chi phí chặt chẽ, tiếp tục đẩy nhanh các dự án chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa chi phí hoạt động.
Nhu cầu đi lại trong nước và quốc tế hồi phục, Vietjet ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2 và sáu tháng đầu năm 2022 (Ảnh: H.T)
Nhu cầu đi lại trong nước và quốc tế hồi phục, Vietjet ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2 và sáu tháng đầu năm 2022 (Ảnh: H.T)

Nhờ nhu cầu đi lại của hành khách trong nước và quốc tế phục hồi mạnh, Công ty cổ phần hàng không Vietjet ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2 và sáu tháng đầu năm 2022.

Với 53 đường bay nội địa, doanh thu nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 (giai đoạn trước đại dịch COVID-19), Vietjet đã đạt doanh thu vận tải hành khách trong quý 2/2022 là 11.355 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ trước đại dịch), lợi nhuận sau thuế đạt 36 tỷ đồng.

Về doanh thu hợp nhất, trong quý 2/2022, Vietjet đạt 11.590 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 181 tỷ đồng. Lũy kế sáu tháng đầu năm, doanh thu vận tải hành khách của hãng đạt 14.696 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 16.112 tỷ đồng, lần lượt tăng so với cùng kỳ năm 2019 trước dịch.

Với những kết quả trên, sáu tháng đầu năm, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 76 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất là 426 tỷ đồng.

Sáu tháng qua, để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao sau đại dịch, hỗ trợ phục hồi du lịch và kinh tế các địa phương, Vietjet đã tăng tần suất khai thác trên nhiều chặng bay, thực hiện 52.500 chuyến bay, vận chuyển 9 triệu lượt hành khách, tăng 54% và 92% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó số chuyến bay tăng 8% so với giai đoạn trước dịch 2019.

Riêng quý 2/2022, hãng khai thác gần 33.000 chuyến bay, vận chuyển 6 triệu lượt hành khách, tăng cao hơn so với trước đại dịch. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển trong quý đạt hơn 11.000 tấn.

[Vietjet Air kinh doanh có lãi bất chấp dịch bệnh COVID-19]

Thúc đẩy và đi đầu việc mở cửa, giao thương giữa Việt Nam với các nước sau đại dịch, Vietjet đẩy mạnh phát triển các đường bay quốc tế mới, trong đó tiên phong phát triển và mở rộng 17 đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ, đất nước với 1,4 tỷ dân, tới Delhi, Mumbai, Ahmedabad, Hyderabad, Bangalore; khai trương các đường bay mới từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đi Busan (Hàn Quốc), từ Hà Nội đến Nagoya và Fukuoka (Nhật Bản)…

Những kết quả của quý 2 và sáu tháng đầu năm 2022 có sự đột phá về doanh thu nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ đạt 426 tỷ đồng, tương đương 85,2% kế hoạch sáu tháng do chi phí xăng dầu tăng cao.

Vietjet thu nộp ngân sách đạt khoảng 2.300 tỷ đồng gồm các khoản thuế, phí thu hộ trực tiếp và gián tiếp trong sáu tháng đầu năm. Kết quả tích cực của các hãng hàng không, đi đầu là Vietjet, đã góp phần cơ bản vào lợi nhuận đột phá của các cảng hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), và các dịch vụ liên quan trong sáu tháng đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, Vietjet sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát chi phí chặt chẽ, tiếp tục đẩy nhanh các dự án chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa chi phí hoạt động đồng thời khai thác các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ bao gồm giảm 50% chi phí hạ cất cánh, chính sách thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay giảm còn 1.000 đồng/lít... để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch và trong những tháng còn lại của năm 2022, cùng các địa phương và cả nước đi vào thời kỳ thích ứng để phát triển, hội nhập./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.