Vietnam Report: Năm chiến lược cần ưu tiên trong chuyển đổi

Vietnam Report chỉ ra Top 5 chiến lược ưu tiên trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp công nghệ như tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh so với đối thủ....
Vietnam Report: Năm chiến lược cần ưu tiên trong chuyển đổi ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), rất đông doanh nghiệp và các chuyên gia đều có chung nhận định dịch COVID-19 là cơ hội hàng đầu, đã thúc đẩy sự vượt trội của ngành công nghệ tăng trưởng trong năm 2021 so với năm 2020.

Khi đại dịch lắng xuống, xu hướng này đương nhiêu trở thành tất yếu trong năm 2022.

Công ty này đã chỉ ra Top 5 chiến lược cần ưu tiên trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp công nghệ. Đó sẽ là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác, tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển, nâng cao uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trên truyền thông và cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Điểm nổi bật trong chiến lược của phần lớn doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông trong năm nay chính là sự nhìn nhận nghiêm túc hơn với việc nâng cao uy tín, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông.

Hơn 56% số doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định đây là điều mà ngành công nghệ thông tin và viễn thông cần chú trọng ưu tiên trong năm 2022, gấp hơn 2 lần so với mức 26,3% trong năm 2020.

Theo nhận định của Vietnam Report, uy tín là một trong những tài sản vô hình quý giá của mỗi doanh nghiệp, có ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của doanh nghiệp trong công chúng cũng như quyết định của nhà đầu tư và các bên liên quan. Do vậy, nâng cao uy tín doanh nghiệp được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu gắn liền với lợi ích kinh tế của chính các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cuộc chạy đua trên hành trình chuyển đổi số ngày một khốc liệt và gay gắt

Tại Việt Nam, trước khi đại dịch xuất hiện, chuyển đổi số đã diễn ra tại hầu hết các loại hình doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, giao thông, du lịch... giúp mở ra thị trường khách hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ.

[Vietnam Report công bố Top 10 Công ty công nghệ uy tín năm 2022]

Tuy nhiên, tốc độ triển khai chưa cao nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ, buộc phải dùng đến các nền tảng trực tuyến, các phần mềm hỗ trợ công tác truy vết y tế… Dịch COVID-19 được xem như cú hích thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn bao giờ hết.

Trên thực tế, định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua việc phổ cập ứng dụng các nền tảng số tại Việt Nam. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report đều nhận định đây chính là một trong ba động lực chính để phát triển ngành công nghệ thông tin Việt Nam trong vài năm tới đây. Thêm nữa, tỷ lệ người dùng Internet và các sản phẩm, thiết bị, dịch vụ công nghệ tại Việt Nam cũng ở mức cao so với thế giới, nên đây cũng là một trong những cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số từ nay tới năm 2025.

Tuy nhiên, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report đã chỉ ra một số thách thức đối với ngành công nghệ thông tin trong bối cảnh hiện nay. Đó là thủ tục hành chính phức tạp, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và thực trạng nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ còn nhiều giới hạn.

Cụ thể, trong 3 năm tới, tốc độ phát triển nhanh của công nghệ số sẽ tạo ra các loại hình dịch vụ mới trong công nghệ, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật mới trong doanh nghiệp. Lúc này hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đương nhiên sẽ bộc lộ những điểm không phù hợp, khó đi vào cuộc sống và gây cản trở trong việc thực thi. Điều này sẽ tạo nên những bất cập, khó khăn cho các doanh nghiệp.

Chuyển đổi số được coi là động lực của đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) sản phẩm công nghệ tại Việt Nam còn bị giới hạn và doanh nghiệp còn gặp khá nhiều khó khăn trong hoạt động tiếp cận vốn đầu tư. Thực tế, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ tại Việt Nam ở cả khu vực Nhà nước và tư nhân chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore, Malaysia và Thái Lan...

Tuy nhiên, gần đây, cũng đã thấy rõ sự cải thiện trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho công nghệ. Nếu, 33,3% doanh nghiệp coi đây là khó khăn hàng đầu vào năm 2020, sang năm 2021, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 23,5% và 16,7% vào năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.