VietnamPlus 'Về Nguồn': Ngàn thu vọng mãi 'tuổi hai mươi' chọi đạn bom

Mỗi chuyến đi giúp mở mang kiến thức và củng cố tinh thần, đạo đức báo chí cách mạng của đội ngũ những người làm Báo Điện tử VietnamPlus.
(Ảnh: Minh Sơn/TTXVN)
(Ảnh: Minh Sơn/TTXVN)

Như một thông lệ, hàng năm, tòa soạn Báo Điện tử VietnamPlus đều tổ chức những chuyến về nguồn để thăm và dâng hương tại các di tích lịch sử.

Mỗi chuyến đi giúp mở mang kiến thức và củng cố tinh thần, đạo đức báo chí cách mạng của đội ngũ những người làm Báo Điện tử VietnamPlus. Đây cũng là một hoạt động thiết thực để nhắc nhở mỗi cán bộ, phóng viên về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tri ân các anh hùng liệt sỹ, từ đó thêm trân trọng, tự hào về nền độc lập, tự do mà chúng ta đang có.

Có "tuổi hai mươi thành sóng nước"

Nhà báo Đoàn Ngọc Thu - Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho hay, đợt ''Về Nguồn'' lần này lãnh đạo báo đã chọn địa điểm là tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, trong đó đặc biệt là tỉnh Quảng Trị - nơi có một vai trò, vị trí và giá trị đặc biệt trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó phải kể đến mốc son của 50 năm trước, đó là sự kiện giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ.

VietnamPlus 'Về Nguồn': Ngàn thu vọng mãi 'tuổi hai mươi' chọi đạn bom ảnh 1Đoàn Báo Điện tử VietnamPlus dâng hương tại Đài Tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Trị là một chiến trường khốc liệt nhất của cả nước. Không có địa phương nào ở miền Bắc lại không có con em của mình trực tiếp chiến đấu ở mảnh đất này. Vì vậy, Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng. Một vùng đất nặng nghĩa ân tình với nhân dân cả nước.

Trong đợt về nguồn lần này đoàn đã hương, dâng hoa tại Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn để tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, hiến trọn máu xương, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tiếp theo đó, đoàn đến nhiều di tích như: cầu Hiền Lương, Địa đạo Vịnh Mốc. Tiếp đó, tại Quảng Bình, đoàn Báo Điện tử VietnamPlus đã đến viếng thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thăm tại Tượng đài mẹ Suốt Anh hùng.

VietnamPlus 'Về Nguồn': Ngàn thu vọng mãi 'tuổi hai mươi' chọi đạn bom ảnh 2Đoàn cán bộ Báo Điện tử VietnamPlus hương, dâng hoa tại Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Địa điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Thành Cổ Quảng Trị. Tại Thành cổ Quảng Trị, đoàn đã xem phim tư liệu và nghe thuyết trình về trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ là bản tráng ca hào hùng của quân và dân Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung, góp phần buộc Mỹ phải nối lại đàm phán, tiến đến ký kết hiệp định Paris; là cơ sở để quân và dân ta mở cuộc tấn công vũ bão, thần tốc làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chỉ trong 81 ngày đêm thị xã và Thành cổ Quảng Trị, với diện tích chưa đầy 3 km2 mà phải oằn mình hứng 328 nghìn tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945.

VietnamPlus 'Về Nguồn': Ngàn thu vọng mãi 'tuổi hai mươi' chọi đạn bom ảnh 3Nghe thuyết trình về trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong cuộc chiến đấu đó, hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và nằm lại nơi Thành cổ, tinh thần kiên cường chiến đấu và niềm tin quyết thắng của những người lính khi tuổi còn đôi mươi đã khẳng định ý chí sắt đá của con người trước bom đạn và điều kiện sống khắc nghiệt nhất của chiến tranh.

Những câu thơ của chiến sỹ Thành cổ năm xưa Lê Bá Dương được khắc trên bia đá, gợi nên hình ảnh bi tráng của những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc:

Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.”

VietnamPlus 'Về Nguồn': Ngàn thu vọng mãi 'tuổi hai mươi' chọi đạn bom ảnh 4Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị.(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Khi nói về Thành cổ Quảng Trị, Cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn khẳng định: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy dưới bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự, những con người Việt Nam, với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại."

50 năm đã trôi qua, khúc tráng ca của 81 ngày đêm lịch sử đã lùi xa nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy ở Quảng Trị được khắc ghi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

VietnamPlus 'Về Nguồn': Ngàn thu vọng mãi 'tuổi hai mươi' chọi đạn bom ảnh 5Thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ hy sinh vì độc lập dân tộc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Những người lính Thành cổ, đa số tuổi đời còn rất trẻ, đã lấy gan vàng chọi với sắt thép để tạc nên một tượng đài sừng sững với khát vọng độc lập, thống nhất về lương tri và phẩm giá con người trước vận mệnh đất nước. Có thể nói rằng, cuộc chiến 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ Quảng Trị là một khúc tráng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được viết bằng máu, có biết bao chiến sỹ quân giải phóng đã ngã xuống mà nhiều người trong số họ thân xác vĩnh viễn tan hòa vào đất đai, cây cỏ…

Ngưỡng mộ về sự hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân

Trong chuyến đi về nguồn, Đoàn Báo Điện tử VietnamPlus vào viếng các anh linh liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9.

VietnamPlus 'Về Nguồn': Ngàn thu vọng mãi 'tuổi hai mươi' chọi đạn bom ảnh 6Đoàn Báo Điện tử VietnamPlus viếng các anh linh liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 9.500 anh hùng, liệt sĩ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó có 3.227 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành, có 785 mộ xác định chưa đầy đủ, còn lại chưa rõ tên tuổi.

Viếng mộ Liệt sỹ Nguyễn Huy Hoa, sinh năm 1957, quê ở xã Quang Hưng, huyện An Thuỵ, Thành phố hải Phòng và hy sinh ngày 28/2/1972, khi ngã xuống anh mới chỉ 15 tuổi. Nhà báo Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus kính cẩn nghiêng mình, thành kính và bày tỏ sự ngưỡng mộ về sự hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân của liệt sỹ Nguyễn Huy Hoa cũng như hàng ngàn liệt sỹ khác vì độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.

VietnamPlus 'Về Nguồn': Ngàn thu vọng mãi 'tuổi hai mươi' chọi đạn bom ảnh 7Nhà báo Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus thắp hương tại mộ một liệt sỹ hy sinh ở tuổi 15. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Những người lính lúc ấy ra đi chủ yếu ở độ tuổi đôi mươi, có những người đã lập gia đình, người chưa. Mặc dù ra trận là biết được những mất mát hy sinh đang ở phía trước nhưng ai nấy đều lạc quan và quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường số 9 là một con đường chiến lược của Mỹ - ngụy, nối liền từ biên giới Việt Lào về tới Ðông Hà. Dọc trục Đường số 9, Mỹ - ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của quân và dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Ðường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công thật hào hùng và oanh liệt đồng thời đó cũng là nổi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ và ngụy trong những năm 1965-1972.

VietnamPlus 'Về Nguồn': Ngàn thu vọng mãi 'tuổi hai mươi' chọi đạn bom ảnh 8Thỉnh chuông tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hành trình tiếp theo của đoàn là Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, với diện tích 39,6 ha, tọa lạc trên những vạt đồi bạt ngàn thuộc xã Vĩnh Tường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi quy tập 10.263 hài cốt các liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Nghĩa trang có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m2. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính.

VietnamPlus 'Về Nguồn': Ngàn thu vọng mãi 'tuổi hai mươi' chọi đạn bom ảnh 9Thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Hiền Lương-Bến Hải-Vĩ tuyến 17: Khúc tráng ca về khát vọng thống nhất non sông

Có một đoạn sông chỉ rộng gần 100m mà một dân tộc phải đi hơn 20 năm mới tới bờ. Có một cây cầu không đắp thành xây lũy mà lại là hàng rào vô hình chia cắt hàng triệu gia đình Việt Nam. Đó là sông Bến Hải, là cầu Hiền Lương, là khúc ca bi tráng về khát vọng thống nhất non sông, mà hàng triệu con người Việt Nam sẵn sàng hy sinh xương máu để viết nên ngày độc lập. Đây cũng là điểm di tích được tập thể Báo VietnamPlus tới thăm.

VietnamPlus 'Về Nguồn': Ngàn thu vọng mãi 'tuổi hai mươi' chọi đạn bom ảnh 10Nghe hướng dẫn viên thuyết trình tại nhà Liên hợp khu vực Địa danh Hiền Lương-Bến Hải. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Địa danh Hiền Lương-Bến Hải là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ-Ngụy.

Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết (ngày 20/7/1954), Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền Bắc-Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới, để chờ đến tháng 7/1956 sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng với những biến cố do sự phá hoại của các thế lực thù địch, đã khiến phải mất 21 năm sau (1975), với bao xương máu của chiến sĩ, đồng bào đã đổ xuống, nhân dân Việt Nam mới giành được độc lập, thống nhất đất nước.

VietnamPlus 'Về Nguồn': Ngàn thu vọng mãi 'tuổi hai mươi' chọi đạn bom ảnh 11Cầu Hiền Lương lịch sử - nhịp nối giữa Cột cờ phía Bắc và Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trục chính của di tích này nằm xuyên suốt theo hướng Bắc-Nam mà trung tâm chính là chiếc cầu Hiền Lương lịch sử - nhịp nối giữa Cột cờ phía Bắc và Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam.

Tiếp theo đoàn đã tới thăm Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc. Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc thuộc thôn Vịnh Mốc và thôn Sơn Hạ, xã Vĩnh Thạch, dài 1.060,25m (chưa bao gồm các ngách, căn hộ...); chiều cao đường hầm từ 1,7 - 1,8m, gồm có 13 cửa ra vào (có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển). Dọc hai bên đường hầm, có khoét các ngách nhỏ đủ sinh hoạt cho 2 đến 4 người.

Hệ thống đường hầm và các công trình trong lòng đất của địa đạo Vịnh Mốc gồm 3 tầng. Ngoài hệ thống đường hầm, địa đạo trong lòng đất, địa đạo Vịnh Mốc còn có các công trình trên mặt đất như: giao thông hào, ụ pháo, kè chắn sóng, nhà trưng bày...

VietnamPlus 'Về Nguồn': Ngàn thu vọng mãi 'tuổi hai mươi' chọi đạn bom ảnh 12Thăm Di tích Lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Địa đạo Vịnh Mốc chứng tích lịch sử về sức mạnh, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường bám đất giữ làng, sự sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân, biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dân tộc ta.

Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến về nguồn lần này của Báo Điện tử VietnamPlus là viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tượng đài mẹ Suốt ở Quảng Bình.

Chuyến đi về nguồn các di tích ghi lại dấu ấn lịch sử với nhiều ý nghĩa, góp phần giáo dục mỗi cán bộ nhân viên về truyền thống yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức về chủ quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam không chỉ hôm nay mà còn mãi với các thế hệ mai sau./.

VietnamPlus 'Về Nguồn': Ngàn thu vọng mãi 'tuổi hai mươi' chọi đạn bom ảnh 13Đoàn cán bộ Báo Điện tử VietnamPlus vào viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
VietnamPlus 'Về Nguồn': Ngàn thu vọng mãi 'tuổi hai mươi' chọi đạn bom ảnh 14Lưu niệm tại Tượng đài Mẹ Suốt ở Quảng Bình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục