Vinaconex lên tiếng về Vinaconex 15 nợ lương người lao động

Vinaconex khẳng định Tổng công ty không có bất kỳ khoản nợ đọng nào với Công ty cổ phần Vinaconex 15, hay có bất kỳ việc nợ lương nào với người lao động.

Chiều 9/2, Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã chính thức lên tiếng về vụ việc sáng cùng ngày một số cá nhân nhận là người lao động của Công ty cổ phần Xây dựng số 15 (Vinaconex 15) tụ tập đông người trước Tòa nhà trụ sở Vinaconex tại 34 Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) căng biểu ngữ đề nghị thanh toán tiền lương cho công nhân.

Ông Phạm Chí Sơn, Giám đốc Ban Đối ngoại-Pháp chế - Người phát ngôn của Vinaconex, cho biết Công ty cổ phần Xây dựng số 15 (tên viết tắt là Vinaconex 15 JSC) là một công ty cổ phần có trụ sở tại số 8 đường Ngô Quyền, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, được cổ phần hóa từ Công ty xây dựng số 15 (Vinaconex 15).

Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty cổ phần Vinaconex có phần vốn góp chiếm 51% vốn điều lệ; Giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Xuân Thao.

Công ty cổ phần Vinaconex đã được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán với mã chứng khoán là V15.

Về phương diện pháp lý, Tổng công ty cổ phần Vinaconex và Công ty cổ phần xây dựng số 15 là hai pháp nhân độc lập và Tổng công ty cổ phần Vinaconex chỉ là một trong số các cổ đông có vốn góp tại công ty.

Trong nhiều năm trở lại đây, Công ty cổ phần Vinaconex 15 gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, không trả được cổ tức cho các cổ đông, hiện có nhiều khoản công nợ với các tổ chức, cá nhân có liên quan chưa trả được, trong đó có việc nợ lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Với tư cách là một cổ đông của Công ty cổ phần Vinaconex 15, trong một số năm vừa qua, Tổng công ty cổ phần Vinaconex đã nỗ lực dành các nguồn lực của mình để hỗ trợ Công ty giải quyết các khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong đó có việc ưu tiên tối đa trong hỗ trợ thanh toán các khoản công nợ giữa hai bên theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đã và đang hỗ trợ Công ty về nguồn công việc, hỗ trợ nguồn nhân lực để củng cố công tác quản trị, tăng cường thu hồi công nợ, kiểm soát dòng tiền và thủ tục thanh quyết toán các công trình với các chủ đầu tư, cố gắng thu hồi nợ đọng để giải quyết công nợ cho người lao động và các khoản nợ với các đối tác.

Mặc dù đã rất cố gắng nhưng hiện nay tình hình hoạt động của Công ty cổ phần Vinaconex 15 vẫn hết sức khó khăn, nhiều khoản nợ chưa thanh toán được trong đó có nợ lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Tổng công ty cổ phần Vinaconex với tư cách là một cổ đông cũng phải gánh chịu hậu quả do Công ty cổ phần Vinaconex 15 thua lỗ kéo dài, âm vốn chủ sở hữu gần bằng vốn điều lệ và không thu được cổ tức từ đơn vị này trong nhiều năm liền.

Theo Vinaconex, Tổng công ty và Công ty cổ phần xây dựng số 15 là hai pháp nhân độc lập nên về pháp lý Vinaconex chỉ là một trong số các cổ đông có vốn góp tại Vinaconex 15 và các khoản công nợ của đơn vị này (trong đó có nợ lương người lao động) không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng công ty mà phải do người đại diện theo pháp luật của Vinaconex 15 tự mình giải quyết phù hợp với các quy định của pháp luật.

Phía Vinaconex cho rằng việc một số cá nhân tự ý tụ tập đông người, treo biểu ngữ gây sức ép đòi Tổng công ty phải giải quyết các khoản nợ lương của Công ty với người lao động là không đúng và không phù hợp với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại khu vực; đồng thời ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Tổng công ty, gây hiểu nhầm về Tổng công ty trước các đối tác, cổ đông và công chúng.

Vinaconex khẳng định Tổng công ty không có bất kỳ khoản nợ đọng nào với Công ty cổ phần Vinaconex 15, hay có bất kỳ việc nợ lương nào với người lao động.

Cũng theo ông Sơn, Tổng công ty đã cử đại diện gặp gỡ, trao đổi, giải thích rõ với các cá nhân về thẩm quyền và trách nhiệm của Tổng công ty cũng như hướng dẫn những người lao động đến đúng địa chỉ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Hiện Tổng công ty cũng đang nỗ lực phối hợp với Ban lãnh đạo Công ty Vinaconex 15 để giải quyết những vấn đề có liên quan (bao gồm việc nợ lương người lao động) phù hợp với pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.