Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho rằng, trong tiến trình cổ phần hóa lựa chọn nhà đầu tư của Vinalines, những doanh nghiệp đầu tư “lướt sóng”, tìm kiếm lợi nhuận ngay và luôn thì có thể Vinalines chưa đáp ứng. Đối với những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, Vinalines sẽ rất hấp dẫn.
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tuấn Hải xung quanh vấn đề này.
Chưa “béo bở” với nhà đầu tư “lướt sóng”
- Vì sao trong quá trình cổ phần hóa Vinalines vừa qua lại không tìm được nhà đầu tư để “chọn mặt, gửi vàng”, thưa ông?
Ông Trần Tuấn Hải: Tổng công ty nhận được hồ sơ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn SK Securities (Hàn Quốc) hoạt động tài chính và bảo hiểm đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược của Công ty mẹ. Tuy nhiên, hồ sơ của Công ty SK Securities đã không đáp ứng đủ các điều kiện về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hóa Công ty mẹ như phải có cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp cổ phần hóa trong các lĩnh vực đầu tư công nghệ, chuyển giao kỹ năng quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển thị trường; phải chứng minh có nguồn vốn đáp ứng; giữ thương hiệu của Vinalines 3 năm sau cổ phần hóa.
[Vinalines: Cổ phần IPO nâng gấp 2 lần để 'chọn mặt gửi vàng']
Trước thực tế này, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định chuyển số lượng cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược là 207.896.970 cổ phần thành số cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng với mức mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Sau khi điều chỉnh, lượng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Vinalines là 488.818.130 cổ phần (34,8%), nâng lên gấp đôi do quá trình chọn nhà đầu tư chiến lược không được như kỳ vọng. Nhà nước vẫn nắm giữ 65% vốn điều lệ, tương đương 912.993.770 cổ phần. Cổ phần bán cho công nhân viên, công đoàn gần 2,8 triệu cổ phần (0,2%).
- Phải chăng thương hiệu Vinalines chưa đủ độ hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược khi chỉ có một đơn vị nộp hồ sơ?
Ông Trần Tuấn Hải: Trong quá trình cổ phần hóa của Vinalines, thông tin cổ phần hóa cũng được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Rent-A-Port N.V, một công ty chuyên về đầu tư và quản lý cảng tại Vương quốc Bỉ đã thể hiện sự quan tâm bằng việc ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Vinalines, trong đó có điều khoản cho phép doanh nghiệp này mua 10% vốn điều lệ của Vinalines khi thực hiện cổ phần hóa.
Ngay sau đó, phía đối tác Bỉ đã thuê công ty tư vấn sang khảo sát, đánh giá tiềm năng của Vinalines. Tuy vậy, đến thời điểm cần đưa ra quyết định cuối cùng, hồ sơ xin tham gia của họ vẫn chưa được gửi đến.
Vinalines mong muốn tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược có năng lực để cùng Tổng công ty xây dựng định hướng phát triển sau này, nhất là những doanh nghiệp cùng ngành nghề, như các hãng tàu lớn, tập đoàn khai thác cảng có kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, khoa học công nghệ, có khả năng hỗ trợ về thị trường. Bên cạnh đó, Vinalines cũng kêu gọi doanh nghiệp ngoài ngành trở thành nhà đầu tư khi có tiềm lực về vốn, các vấn đề như tiêu thụ đầu vào/đầu ra.
Vinalines vừa trải qua một giai đoạn tái cơ cấu, hiện nay diện mạo cũng như năng lực tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh đang có sự tăng trưởng khả quan hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tái cơ cấu chưa phải cao nên những doanh nghiệp đầu tư “lướt sóng”, tìm kiếm lợi nhuận ngay và luôn thì có thể Vinalines chưa đáp ứng. Đối với những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, Vinalines rất hấp dẫn.
[Vinalines đăng ký bán hơn 280 triệu cổ phần trên sàn chứng khoán]
Những nhà đầu tư mong muốn đầu tư dài hạn chắc chắn họ sẽ chọn Vinalines bởi Tổng công ty có những lợi thế là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong hàng hải, có đầy đủ có 3 lĩnh vực cốt lõi gồm dịch vụ logistics, tàu biển, cảng biển với hạ tầng đồng bộ.
Vinalines sau giai đoạn tái cơ cấu, ngay bản thân các nhà đầu tư cũng cân nhắc tiềm năng phát triển tới đây như nào? Kết quả kinh doanh chưa thể là “một ngôi sao sáng” ngay mà đòi hỏi cần thời gian đối với những nhà đầu tư dài hạn.
“Xóa sổ” Vinalines, thay hình hài mới
- Vinalines kỳ vọng gì trong đợt IPO vào ngày 5/9 tới đây?
Ông Trần Tuấn Hải: Trong trường hợp IPO không hết số cổ phần trên thị trường chứng khoán thì nhà đầu tư có thể tham gia mua số cổ phần đó với hình thức thoái vốn của Nhà nước theo quy trình thoái vốn.
Khi Vinalines chính thức trở thành Công ty cổ phần, ví dụ chỉ bán được 80% số lượng cổ phần phát hành ra, 20% còn lại sẽ làm cho vốn Nhà nước có thể vượt mức 65%, Nhà nước sẽ tiếp tục giảm xuống 65% nhưng đó là quy trình thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần, không theo quy trình cổ phần hóa.
[Vinalines: Tái cơ cấu là chìa khóa để con tàu vững bước ra khơi]
Phương thức cổ phần hóa của Vinalines là bán bớt phần vốn Nhà nước kết hợp với việc phát hành thêm cổ phần. Trong đợt IPO tới đây, lượng cổ phần phát hành thêm là 210 triệu cổ phần, với mức giá 10.000 đồng/cổ phần, đơn vị dự kiến sẽ thu về 2.100 tỷ đồng.
Theo quy định, số lượng cổ phần phát hành thêm sẽ nằm tại doanh nghiệp, tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Với số tiền thu được từ lượng cổ phần này, Vinalines sẽ sử dụng để xử lý phần tái cơ cấu tài chính, đặc biệt là tập trung đầu tư phát triển các dự án theo định hướng của doanh nghiệp. Số tiền bán cổ phần vốn Nhà nước sẽ được Sở Giao dịch chứng khoán chuyển trực tiếp về cho Nhà nước.
Sau IPO, Vinalines sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông, tiến hành đăng ký doanh nghiệp để hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần, dự kiến Tổng công ty sẽ tiến hành chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mới từ đầu năm 2019. Tùy theo kết quả của phiên IPO tới đây, Vinalines mới quyết định những bước đi tiếp theo.
- Sau cổ phần hóa, tên Vinalines sẽ không còn mà sẽ chuyển sang hoạt động mô hình Công ty cổ phần với tên giao dịch quốc tế VIETNAM MARITIME CORPORATION (VIMC). Ông có hoài niệm thương hiệu một thời này không?
Ông Trần Tuấn Hải: Vinalines đổi thương hiệu sang VIMC vì đánh dấu chặng đường khi chuyển đổi mô hình, thay đổi về mặt định hướng, mô hình quản trị. Khi thành lập, Vinalines định hướng như một hãng vận tải biển và phát triển mạnh về vận tải biển.
Trong quá trình phát triển, Vinalines mở rộng đầu tư kinh doanh thêm cả cảng biển và dịch vụ hàng hải logistics. Nếu duy trì tên Vinalines, nhiều người nghĩ sẽ thiên về vận tải. Hiện, Tổng công ty phát triển thế mạnh cốt lõi ở “kiềng 3 chân” đó là vận tải biển-cảng biển-logistics.
[Bộ trưởng Giao thông: ‘Con tàu Vinalines đã vượt qua được sóng lớn’]
Việc đổi tên VIMC để thể hiện quy mô, đánh dấu một quá trình tái cơ cấu Vinalines thành công, chuyển đổi mô hình quản trị mới. Thay đổi thương hiệu Vinalines vì mọi người định kiến trong đầu gắn với Vinashin, gắn với kinh doanh không hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước và phía Vinalines mong muốn thay đổi định kiến đó với suy nghĩ “Không chỉ là sự thay đổi của biểu tượng. Đó là biểu tượng của sự thay đổi”.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.