Là doanh nghiệp sữa lớn, từ năm 2007, Vinamilk đã tung ra sản phẩm sữa tươi Vinamilk UHT có thành phần 100% nguyên liệu sữa tươi, nhằm thu hút người tiêu dùng. Khi đó, thị trường còn chưa cạnh tranh gay gắt như hiện nay, cộng với thương hiệu sữa Vinamilk đã giúp doanh nghiệp này đạt được thành công nhất định nhờ chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sữa.
Hiện Vinamilk đã chiếm lĩnh thị trường trong nước: khoảng 55% thị phần sữa nước, 85% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần sữa bột trẻ em.
Sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên gấp đôi, là 1.000 - 1.200 tấn/ngày đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sữa phục vụ nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu. Với chiến lược này, nguồn cung sữa nguyên liệu trong nước sẽ tăng trong 5 năm tới và góp phần làm giảm tỷ lệ phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Bên cạnh việc phát triển chăn nuôi bò sữa tại các nông hộ quy mô gia đình, công ty đã xây dựng các mối liên kết với các công ty chăn nuôi để phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô 100 - 200 con, với thiết kế chuồng trại hiện đại, áp dụng các tiến bộ công nghệ, đầu tư cao. Đây sẽ là đối tác chiến lược cho việc cung cấp nguồn nguyên liệu sữa tươi trong hệ thống vùng nguyên liệu công ty.
Nuôi bò sữa đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, dễ gặp rủi ro với lãi suất biến động thất thường. Thực tế, sau khi Vinamilk xây trang trại bò sữa đầu tiên vào năm 2006, họ đã mất tới 3 năm để hoàn vốn và đến năm 2009 mới khởi động tiếp các dự án nuôi bò sữa khác.
Tuy nhiên, đổi lại, sự tăng tốc phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi của doanh nghiệp cũng sẽ đi cùng với tốc độ tăng trưởng doanh thu. Bắt đầu đầu tư trang trại bò sữa vào năm 2006, trong cùng năm đó Vinamilk đạt doanh thu 6.245 tỷ đồng, trong khi đến năm 2015, doanh thu tăng lên 40.223 tỷ đồng.
Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành Vinamilk khẳng định: "Vào TPP, chúng tôi đang chủ động xây dựng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi theo hướng tăng trưởng nhanh đàn bò, đáp ứng cho nhu cầu chế biến các sản phẩm sữa của công ty."
Theo thống kê của Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, năm 2014 số lượng đàn bò là 200.400 con với tổng lượng sữa ước tính đạt 540 nghìn tấn, tăng 14% so với năm 2013 và 67% so với năm 2010. Theo dự đoán, số lượng đàn bò sữa năm 2020 tăng lên xấp xỉ 400.000 còn đến năm 2035 là 835 nghìn con. Như vậy mức tăng trưởng đàn bò sữa ở Việt Nam là rất lớn.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi cho biết, những năm gần đây thị trường chăn nuôi Việt Nam có sự tham gia rất đông của các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp đầu tư. Đây là cơ hội tốt để phát triển ngành chăn nuôi nói chung và thị trường sữa nói riêng./.