Vinamilk kiến nghị nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư ngoại lên 100%

Vinamilk kiến nghị Chính phủ nên cho phép nâng giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 100% do ngành sữa không phải là ngành nghề nhạy cảm, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Vinamilk kiến nghị nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư ngoại lên 100% ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vinamilk)

Nhằm nâng cao hiệu quả của việc thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) theo đề án Tái cơ cấu Tổng công ty đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Vinamilk vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về phương thức bán phần vốn Nhà nước tại đơn vị này.

Cụ thể, Vinamilk kiến nghị Chính phủ nên cho phép nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% do ngành sữa không phải là ngành nghề nhạy cảm, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Theo giải trình của Vinamilk, việc mở cửa đang là xu hướng chung của thế giới và khu vực; trong đó có Việt Nam. Theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Austrlia-New Zealand, đến năm 2017 thuế suất nhập khẩu các mặt hàng sữa thành phẩm, bột sữa whey nguyên liệu từ khu vực này sẽ giảm về mức 0%. Thuế suất nhập khẩu sữa thành phẩm và nguyên liệu theo Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản và Việt Nam với Nhật Bản cũng đang giảm dần.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đa số tại Vinamilk không đồng nghĩa với việc “xóa sổ” thương hiệu Việt mà ngược lại sẽ góp phần hỗ trợ Vinamilk trong quá trình tiến ra thị trường quốc tế. Theo quá trình phát triển của doanh nghiệp, việc mở rộng cổ đông là điều bình thường.

Hiện nay, thương hiệu Vinamilk đã được khẳng định và có vị trí vững chắc không chỉ tại thị trường trong nước và cả ở thị trường quốc tế. Công ty này cũng tin tưởng có thể cạnh tranh giữ vị trí của mình khi Việt Nam thực hiện đầy đủ lộ trình mở cửa của Hiệp định TPP.

Bên cạnh đó, việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài thông qua xuất khẩu, Vinamilk đã và đang đầu tư vào các doanh nghiệp ngoài nước như Mỹ, Ba Lan, New Zealand và Campuchia và đang tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mua bán và sáp nhập khác của các thị trường mới. Do đó, việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk sẽ tạo thuận lợi cho công ty trong mở rộng thị trường và khi công ty cần huy động thêm vốn để đầu tư ra nước ngoài.

Vinamilk cũng kiến nghị một số vấn đề về lộ trình thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước nên sớm được công bố rõ ràng để nhà đầu tư có sự chuẩn bị thích đáng, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài ra, không nên chia quá nhỏ số lượng cổ phần bán mỗi lần thoái vốn, chỉ nên chia số lượng cổ phần của Nhà nước không quá 3 đợt, mỗi đợt tối thiểu 10% vốn điều lệ của Vinamilk.

Đấu giá là phương thức tốt nhất để đảm bảo công khai, minh bạch và không gây biến động thị trường do số lượng cổ phiếu SCIC đang sở hữu tại Vinamilk lớn. Thêm vào đó, đấu giá cũng cho phép xác định giá khởi điểm theo đúng giá trị thực của Vinamilk. Cần thuê một tổ chức tư vấn tài chính quốc tế chuyên nghiệp để tổ chức đấu giá để đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước cả về mặt lượng tiền thu được lẫn về mặt hình ảnh và thu hút sự chú ý của nhà đầu tư đối với Việt Nam.

Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần nên được tổ chức tư vấn trao đổi với Công ty nhằm đảm bảo hoạt động của Công ty sau khi Nhà nước thoái vốn ngày càng được nâng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.