Vĩnh biệt nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý - tác giả của ‘Dáng đứng Bến Tre’

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý ra đi, để lại gia tài âm nhạc đồ sộ với nhiều tác phẩm có sức sống vượt thời gian như “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa,” “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”…
Vĩnh biệt nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý - tác giả của ‘Dáng đứng Bến Tre’ ảnh 1Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý (trái) cùng đại diện Ban tổ chức giải Âm nhạc Cống hiến. (Ảnh: BTC)

Theo thông tin từ nhạc sỹ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã qua đời vào chiều 26/12 tại nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

[Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý và các bài ca đọng "Dư âm"]

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5/3/1925 tại Nghệ An. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc với người cha có thông thạo nhiều loại hình âm nhạc dân gian (hát văn, hát chèo…).

Tên tuổi nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý gắn liền nhiều ca khúc đi cùng năm tháng như “Dư âm,” “Dáng đứng Bến Tre,” “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa,” “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh,” “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”

Bên cạnh đó, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý cũng là tác giả của nhiều ca khúc thiếu nhi nổi tiếng: “Màu áo chú bộ đội,” “Gà mái mơ,” “Út cưng”...

Năm 1945, ông tham gia phong trào Việt Minh, cùng xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên cứu quốc Nghệ An.

Đến cuối năm 1957, ông cùng với các nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao được chỉ định thành lập Hội Nhạc sỹ Việt Nam.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là một trong những “cây đại thụ” của nền âm nhạc Việt Nam. “Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã vận dụng khéo léo chất liệu dân gian cho nhiều sáng tác của mình. Bởi vậy, tác phẩm của ông mang đậm bản sắc Việt,” nhạc sỹ Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

Với những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, năm 2000, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật.

Lễ viếng nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sẽ diễn ra sáng 27/12 tại Nhà tang lễ Thành phố Hồ Chí Minh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.