Chiều 12/12, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam-VnEconomy tổ chức Diễn đàn Tiêu dùng Việt Nam và Lễ Công bố & Vinh danh 100 sản phẩm, dịch vụ Tin dùng được người tiêu dùng bình chọn trong năm 2020.
Với trọng tâm chương trình năm nay “Lửa thử vàng-Thách thức tạo sức bật," tiêu chí đánh giá và bình chọn tập trung vào các sản phẩm-dịch vụ đã vượt qua những khó khăn, rào cản của dịch COVID-19 để vươn lên, tìm kiếm cơ hội mới, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt, được người tiêu dùng ưu chuộng và đánh giá cao; các thương hiệu doanh nghiệp sở hữu các sản phẩm, dịch vụ có quá trình chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt hiệu quả.
Chia sẻ tại lễ vinh danh, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, kiêm Giám đốc mảng kinh doanh gạo của Tập đoàn, cho biết, ngay khi COVID-19 ập đến, câu chuyện đầu tiên là phải đảm bảo an ninh lương thực, sản phẩm thiết yếu. Ngành lương thực là ngành thiết yếu, cần sự đầu tư phát triển nghiêm túc để phát triển bền vững.
Ngành thực phẩm thiết yếu có triển vọng tốt, nhưng không dễ làm; bởi không thể chỉ làm phần ngọn là thu mua đóng gói, mà phải đầu tư cho chuỗi sản xuất từ bao tiêu vùng nguyên liệu, hạ tầng xử lý sau thu hoạch quy mô lớn, kiểm soát hao hụt-chất lượng chặt chẽ và xây dựng kênh bán hàng phù hợp, xây dựng thương hiệu marketing hiệu quả. Tất cả phải được làm với tâm huyết của doanh nghiệp để hướng đến sản phẩm chất lượng và tiện lợi trong xu hướng tiêu dùng.
Người Việt Nam không chỉ quan tâm ăn ngon, mà là ăn sạch hơn an toàn hơn, cùng với đó là cạnh tranh hơn về dịch vụ khách hàng. Điều này buộc doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ 4.0 cho chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, giao hàng nhanh chóng tiện lợi, ông Nguyễn Chánh Trung cho hay.
Trao đổi cụ thể hơn về việc đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, theo ông Nguyễn Chánh Trung, đơn vị ra mắt sản phẩm gạo AAN đã đặt cốt lõi sản phẩm là chất lượng. Cùng với giá cả và marketing hiệu quả là việc xây dựng 1 hệ sinh thái công nghệ bán lẻ để đón đầu xu hướng tiêu dùng online và dịch vụ quản lý bán hàng, thanh toán thuận tiện cho các nhà phân phối, đại lý. Đơn vị ứng dụng công nghệ Fintech để quản trị chính sách bán hàng và phục vụ kênh phân phối.
[Ngành bán lẻ chuyển hướng theo xu thế hiện đại để đối phó với dịch]
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi cách thức kinh doanh và tác động đến nhiều doanh nghiệp, nhưng ở góc độ khác, đây là một cuộc sàng lọc, sẽ chỉ có những doanh nghiệp có nội lực, nhanh chóng chuyển mình, ứng dụng công nghệ mới có thể vượt qua được.
Hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết đây là giai đoạn xuất hiện những khó khăn chưa từng có, tuy nhiên họ cũng cho rằng đây là cơ hội “lửa thử vàng.” Chính những thử thách của thị trường, của chuỗi phân phối sẽ tạo nên sức bật cho doanh nghiệp, cũng như chính sản phẩm, dịch vụ của họ.
Tại khu vực giới thiệu các sản phẩm bên lề buổi lễ vinh danh, ông Nguyễn Kiên (Giảng Võ) cho hay xu hướng tiêu dùng đã dịch chuyển sang các doanh nghiệp chiết khấu, kinh doanh online. Doanh nghiệp nào chuyển đổi số trước giai đoạn dịch sẽ có lợi thế cho quá trình xử lý kinh doanh nhanh và tinh gọn hơn.
Giai đoạn hiện tại và sắp tới, một nhà bán lẻ thành công sẽ là doanh nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt nhất mà còn phải nhanh nhất, không chỉ thanh toán tiện lợi mà còn phải theo hướng “không có sự tiếp xúc”…
Ông Trử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho rằng, dịch bệnh đang bao trùm nhưng không phải cơ hội hoàn toàn biến mất và không phải nhà bán lẻ, doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn như nhau. Thách thức sẽ tạo sức bật cho các doanh nghiệp nắm bắt tốt xu thế, cung cấp đủ hàng hóa tốt nhất tới các kênh để đáp ứng người tiêu dùng.
Trong suốt 10 tháng từ tháng 1-11 năm nay, chương trình đã bình chọn trên 6.790 sản phẩm-dịch vụ được đề cử, Ban tổ chức chương trình Tin dùng Việt Nam đã nhận lại được 29.340 phiếu bình chọn, 79.280 ý kiến đánh giá trực tuyến…/.