Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Năm 2019, Vĩnh Phúc đứng thứ 17/63 tỉnh, thành về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tụt 4 bậc PCI so với năm 2018, không đạt mục tiêu đề ra và là năm có kết quả thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ảnh 1Gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp - một trong những giải pháp để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. (Nguồn: vinhphuc.gov.vn)

Tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu đưa địa phương trở lại nằm trong top 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước trong năm 2020.

Theo đó, để quay trở lại được top 10 trong năm 2020 - năm cuối thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban thường vụ Tỉnh ủy, tại hội nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chiều ngày 2/6, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ Kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần liên quan, nhất là các chỉ số đang có điểm số và thứ hạng thấp như tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, tính minh bạch.

Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch số 51 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ, Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 39 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục chủ động, quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19 và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan trọng năm 2020.

Cùng với đó, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số đối với các thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đối với một số thủ tục hành chính.

Công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, các quy định của pháp luật, các thông tin doanh nghiệp quan tâm. Đồng thời, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, lao động, thuế, thủ tục hành chính.

[Chất lượng điều hành kinh tế nổi bật trong báo cáo PCI 2019]

Nghị quyết 01 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu duy trì vị trí xếp hạng top 10 tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tốt nhất cả nước.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết này, chỉ có năm 2016, Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 9 - nằm trong nhóm tốt, các năm: 2017, 2018, 2019 đều tụt hạng và nằm trong nhóm khá.

Theo báo cáo số 201 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019, Vĩnh Phúc đứng thứ 17/63 tỉnh, thành, tụt 4 bậc PCI so với năm 2018, không đạt mục tiêu đề ra và là năm có kết quả thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Đặc biệt các chỉ số thành phần của tỉnh chưa có sự ổn định, tốc độ cải thiện một số chỉ số có xu hướng chậm hơn so với một số địa phương ở top 15 tỉnh, thành dẫn đầu; những chính sách về cải cách, đổi mới có tác động mạnh đến doanh nghiệp và liên quan đến kết quả PCI còn hạn chế và chưa thật sự có đột phá.

Giải thích về nguyên nhân khiến Vĩnh Phúc chưa quay trở lại được top 10 trong năm 2019, ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đó là do một số chỉ số thành phần có trọng số cao sụt giảm, một số chỉ số không cải thiện được điểm số và thứ hạng.

Cùng với đó, chất lượng công tác tham mưu, đề xuất giải quyết một số nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chưa kịp thời; thời gian giải quyết thủ tục hành chính qua Trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa tại một số cơ quan còn chậm.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án khó khăn, chính sách pháp luật về đất đai còn bất cập; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các nội dung liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư hiệu quả chưa cao, chưa nhận được sự phối hợp từ phía doanh nghiệp. Số lượng, chất lượng của các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp các dịch vụ đào tạo, cung ứng lao động, dịch vụ tìm kiếm thị trường hạn chế...

Ngoài ra, còn do sự vươn lên mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư của các tỉnh, thành trong cả nước; một số chỉ tiêu đánh giá của doanh nghiệp chưa thực sự khách quan, chưa phản ánh đúng những nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu nằm trong top 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước trong năm 2020 thì PCI của tỉnh phải đạt tối thiểu 70 điểm trở lên, tăng 3,25 điểm so với năm 2019.

Theo đó, chỉ số chi phí gia nhập thị trường đạt 8,5 điểm, duy trì nằm trong top 10; chỉ số tiếp cận đất đai đạt 6,5 điểm, nằm trong top 30; tính minh bạch đạt 7,2 điểm, nằm trong top 10; chi phí thời gian 7,5 điểm, nằm trong top 15; chi phí chính thức đạt 7 điểm; tính năng động đạt 6,5 điểm; dịch vụ hỗ trợ 6,7 điểm; đào tạo lao động 7,2 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự 7 điểm và chỉ số cạnh tranh bình đẳng 7 điểm.

Năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội và nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh của các cấp, các ngành, các địa phương thời gian qua sẽ là căn cứ quan trọng để doanh nghiệp đánh giá một số chỉ tiêu PCI của tất cả 63 tỉnh, thành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.