Vĩnh Phúc: Siết chặt công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo, địa phương nào để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Đất đai mà không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, thì sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện, xã.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng đề án, quy định, kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; quy trình, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất, phổ biến đến ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn.

Thời gian thực hiện đề án từ năm 2019 đến năm 2024. Cụ thể. năm 2019 đến 2021, chấm dứt các vụ việc vi phạm mới phát sinh và mỗi năm giải quyết ít nhất 20% số vụ, việc vi phạm; từ năm 2022 đến 2023, mỗi năm giải quyết ít nhất 15% số vụ, việc vi phạm...

Tỉnh tiếp tục xem xét, xử lý trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, xã khi buông lỏng công tác quản lý đất đai, gây ra hậu quả lớn.
Những giải pháp này nhằm chấn chỉnh công tác tác quản lý, sử dụng đất trước tình trạng vi phạm về đất đai đang diễn ra phức tạp tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu, Ủy ban Nhân dân các cấp, nhất là cấp xã tăng cường quản lý về đất đai trên địa bàn; chỉ đạo xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, đặc biệt là trường hợp cán bộ tiếp tay, làm ngơ cho đối tượng vi phạm pháp luật về đất đai
Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức cho các cá nhân, doanh nghiệp và người dân được giao quản lý, sử dụng đất ký cam kết chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về đất đai.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, địa phương nào để xảy ra tình trạng vi phạm mới mà không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, gây phức tạp về an ninh trật tự thì xem xét, xử lý trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, xã.

[Thủ tướng: Quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả sử dụng đất quốc phòng]

Vĩnh Phúc chỉ đạo các cấp, ngành làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt quy định về Luật Đất đai; công bố công khai quy hoạch các công trình, dự án sẽ triển khai tới người dân.

Theo báo cáo của Công an Vĩnh Phúc, toàn tỉnh có hàng nghìn trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai; các hành vi vi phạm diễn ra trong thời gian dài, trong khi đó công tác quản lý của cấp chính quyền cơ sở bộc lộ nhiều hạn chế, gây ra sự hoài nghi, bức xúc cho cán bộ, nhân dân.

Các xã Tân Tiến và Đại Đồng (huyện Vĩnh Tường) là những địa phương "nóng" về vi phạm Luật Đất đai. Hai xã này có cả trăm hộ sai phạm với diện tích lớn, chủ yếu là đất nông nghiệp.

Huyện Yên Lạc cũng có hàng trăm trường hợp lấn chiếm đất đai. Riêng xã Tề Lỗ có 95 trường hợp vi phạm Luật Đất đai, trong đó 45 trường hợp sai phạm từ trước ngày 1/7/2004; 24 trường hợp sai phạm từ ngày 1/7/2004 đến ngày 1/7/2014; 13 trường hợp xảy ra từ năm 2014 đến ngày 30/9/2018.

Từ cuối tháng 9/2018 đến nay, huyện có 24 trường hợp vi phạm mới với hơn 4.500m2, chủ yếu tại 2 thôn Giã Bàng, Nhân Lý, đường tỉnh 303, Quốc lộ 2C đoạn qua địa phận xã.

Năm 2018, huyện Yên Lạc đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho từng thành viên, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tự tháo dỡ công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông, kiên quyết xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Đầu năm 2018, Ủy ban Nhân dân huyện Yên Lạc tổ chức các đợt ra quân giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông và xử lý vi phạm về đất đai, với hàng trăm trường hợp.

Cùng với đó, huyện thi hành kỷ luật đối với một số lãnh đạo các xã do vi phạm trong công tác quản lý đất đai; luân chuyển 11 cán bộ làm công tác địa chính cấp xã.

Huyện Bình Xuyên cũng là điểm nóng về vi phạm Luật Đất đai khi tình trạng lấn chiếm đất đai diễn ra ở hầu khắp các địa phương, với gần 1.000 trường hợp vi phạm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục