Vĩnh Phúc ưu tiên thu hút đầu tư cho các dự án du lịch chất lượng

Theo thống kê, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 36 dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng số vốn trên 20.000 tỷ đồng.
Vĩnh Phúc ưu tiên thu hút đầu tư cho các dự án du lịch chất lượng ảnh 1Một góc thị trấn Tam Đảo. (Nguồn: tamdao.vinhphuc.gov.vn)

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định thu hút các dự án đủ “chất” và “lượng” là ưu tiên trọng tâm.

Chú trọng nhà đầu tư chiến lược

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 36 dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng số vốn trên 20.000 tỷ đồng.

Những dòng vốn khổng lồ liên tục đổ về cùng với các nhà đầu tư tiềm năng đã đưa ngành du lịch của tỉnh lên một tầm cao mới; nâng cao giá trị và cơ hội đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế.

Sức hấp dẫn của những điểm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đã thu hút ngày càng nhiều khách mỗi năm. Năm 2018, Vĩnh Phúc đón khoảng 5,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 15% so năm 2017, trong đó, có hơn 40.000 lượt khách quốc tế; doanh thu từ du lịch ước đạt 1.670 tỷ đồng, tăng 11% so năm 2017; 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đón 4,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 17% so cùng kỳ 2018 với tổng doanh thu đạt 1.380 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ năm 2018.

Dự kiến hết năm 2019, toàn tỉnh sẽ đón khoảng 6 triệu lượt khách, tăng 1,6 lần so với năm 2016, trong đó, có 40.500 lượt khách quốc tế.

Tuy nhiên, nếu so sánh với điều kiện thuận lợi khi giáp sân bay Nội Bài, lại sát thủ đô Hà Nội cùng những cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn cùng bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa thì những đóng góp kể trên vẫn còn khá khiêm tốn.

Đặc biệt, ngành du lịch của tỉnh vẫn thiếu những dự án tầm cỡ có thể nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra động lực tăng trưởng cho toàn ngành; một số địa phương được đánh giá có tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa có cơ hội khai thác do chưa có được nhà đầu tư tiềm lực.

Cuối năm 2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Sun Group đã tổ chức Lễ khởi công Dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2. Với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên tới 2.900 tỷ đồng cho các hạng mục chính như công viên, vườn thực vật, triển lãm nghệ thuật, khu vui chơi trẻ em, khu vui chơi gia đình, khu hoạt động ngoài trời, trung tâm vui chơi giải trí công nghệ cao hội tụ các trò chơi hấp dẫn hàng đầu thế giới, rạp chiếu phim, các khu du lịch tâm linh dã ngoại…

[Vĩnh Phúc hướng tới trung tâm du lịch khu vực phía bắc năm 2020]

Khi hoàn thành, Tam Đảo 2 sẽ là điểm đến văn hóa, giải trí hấp dẫn, thúc đẩy du lịch Vĩnh Phúc sớm phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời tạo thành chuỗi du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách du lịch vào tất cả các mùa trong năm.

Bên cạnh dự án Tam Đảo 2, trong chiến lược phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với vui chơi giải trí cùng với du lịch văn hóa, tâm linh và du lịch dịch vụ phục vụ hội thảo, kết hợp tham quan, học tập kinh nghiệm được xác định là ba trụ cột chính tạo động lực cho sự phát triển bền vững du lịch của tỉnh.

Theo đó, cùng với dành nguồn lực trên 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước cho 7 dự án gián tiếp phục vụ du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã và đang có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên cho phát triển du lịch, trong đó sẽ đặc biệt ưu tiên thu hút thêm nhiều nhà đầu chiến lược xây dựng mới các khu dịch vụ phức hợp, dự án du lịch quy mô lớn, tạo cú hích xây dựng Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn, có tính cạnh tranh, uy tín trên bản đồ du lịch của cả nước và vùng trọng điểm quốc gia.

Nâng tầm thương hiệu bằng những dự án lớn

Vĩnh Phúc ưu tiên thu hút đầu tư cho các dự án du lịch chất lượng ảnh 2DIC Star Hotels & Resorts Vinh Phuc, khách sạn và khu nghỉ dưỡng chuẩn 5 sao quốc tế đầu tiên tại thành phố Vĩnh Yên. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Từ nỗ lực để “ngành công nghiệp không khói” của Vĩnh Phúc có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch với nhiều dự án lớn được đưa vào hoạt động.

Năm 2003, sau khi được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu du lịch sinh thái Đại Lải Resort, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải, trực thuộc Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác Quốc tế Hùng Vương đã đầu tư hàng hàng nghìn tỷ đồng nhanh chóng biến vùng đất hoang vu thành dự án dịch vụ nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao.

Với hàng nghìn biệt thự được thiết kế theo phong cách hiện đại bậc nhất châu Âu, hệ thống 5.000 cây xanh bao quanh tòa nhà Forest in the Sky với vườn hoa hồng treo, đường dạo trên cao, hàng trăm tác phẩm nghệ thuật sơn mài và điêu khắc sống động giữa các cung đường, siêu tổ hợp dịch vụ độc đáo cùng dịch vụ và phong cách chuyên nghiệp, Flamingo Đại Lải Resort đã được bình chọn nằm trong top 10 khu nghỉ dưỡng đẹp nhất hành tinh, "Khu nghỉ dưỡng chuẩn xanh 2018-2020" cùng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về bất động sản nghỉ dưỡng tốt nhất, kiến trúc cảnh quan đẹp và độc đáo nhất.

Giờ đây, Flamigo Đại Lải đã trở thành một trong điểm nghĩ dưỡng thu hút khách nhất Vĩnh Phúc, luôn trong tình trạng “quá tải” khách vào những ngày cuối tuần, dịp nghỉ lễ; lượng khách tới đây bình quân hơn 2.000 lượt/ngày.

Tập đoàn Flamingo được tỉnh lựa chọn là một trong những nhà đầu tư chiến lược đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần cải tạo cảnh quan, giữ gìn môi trường sinh thái vùng hồ Đại Lải...

Vài năm gần đây, du khách có dịp trở lại thị trấn núi Tam Đảo sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng về diện mạo, cảnh quan, hạ tầng giao thông, du lịch nơi đây.

Bên cạnh những dấu ấn cũ của Nhà thờ đá, thác bạc, cột tháp truyền hình, khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo đã có thêm nhiều công trình kiến trúc ấn tượng, nhiều điểm đến tuyệt đẹp như: Khách sạn Lâu đài Tam Đảo, Venus hotel Tam Đảo, Công viên Quảng trường Tam Đảo, Cầu Mây, Homestay...

Điển hình phải kể đến dự án Venus hotel Tam Đảo của Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng – doanh nghiệp được tỉnh tin tưởng chọn là nhà đầu tư chiến lược triển khai một số dự án tại Khu du lịch Tam Đảo.

Dự án Venus hotel Tam Đảo được xây dựng với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng đi vào hoạt động từ tháng 5/2019, gồm 198 phòng nghỉ, mỗi không gian đều được chăm chút tỉ mỉ, đảm bảo sự tinh xảo và hài hòa cùng tổ hợp tiện ích như nhà hàng Venus, nhà hàng lẩu nướng Hàn Quốc, khu hội thảo, bể bơi bốn mùa, Spa & massage, Fitness Center, Karaoke, khu vui chơi trẻ em… Venus hotel sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm nghỉ dưỡng lý tưởng khi ghé thăm thị trấn mờ sương.

Ông Lê Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng cho biết Lạc Hồng cam kết đầu tư 900 tỷ đồng vào Khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo cho các hạng mục như khách sạn Venus, Khách sạn lâu đài, khu ẩm thực…

Tổ hợp các dịch vụ cao cấp, cơ sở trang bị hiện đại, đa tiện ích, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, nhiệt tình và mến khách, các nhà hàng, khách sạn được xây dựng không chỉ đảm bảo về quy mô, tính đồng bộ, hiện đại, tạo bước đột phá, động lực thúc đẩy phát triển du lịch Tam Đảo mà chắc chắn sẽ là nơi lan tỏa tình yêu của du khách trong và ngoài nước khi đến với thị trấn xinh đẹp từng được mệnh danh là “Đà Lạt đất Bắc,” “Hòn ngọc Đông Dương” khi xưa.

Thực tế cho thấy, du lịch và kinh tế của rất nhiều tỉnh, thành đã thay đổi diện mạo đáng kể sau khi các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư.

Riêng tại Vĩnh Phúc, các Tập đoàn Flamingo ở Đại Lải, Công ty Lạc Hồng ở Tam Đảo 1, FLC ở Vĩnh Thịnh, Công ty cổ phần Sông Hồng Thủ Đô ở Vĩnh Yên… đang là những minh chứng sống cho thấy thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh đất và người, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn tạo thương hiệu cho du lịch Vĩnh Phúc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục