Theo Nikkei Asian Review, kinh tế thế giới dường như đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc ở một mức độ chưa từng có, và dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) đã hé lộ cái giá phải trả cho sự phụ thuộc này.
Tỷ trọng của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu hiện đang ở mức cao gấp đôi so với thời điểm dịch SARS bùng phát năm 2003, và mức độ ảnh hưởng của nước này được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng.
Một ước tính chỉ ra rằng nếu sản lượng chế tạo của Trung Quốc giảm 10 tỷ USD, thì phần sản lượng còn lại của thế giới sẽ giảm 6,7 tỷ USD.
Hàn Quốc, Nhật Bản, và đặc biệt là Mỹ có thể nhận thấy tác động này, và khi xem xét cả ảnh hưởng của nó đối với những ngành khác, thiệt hại có thể lên đến 65 tỷ USD.
Hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục bị đình chỉ do tình hình dịch bệnh cho đến ngày 16/2, nhưng hiện vẫn chưa rõ khi nào các hoạt động mới thực sự quay trở lại bình thường. Nếu tình hình này kéo dài, đây có thể sẽ là một “đòn” lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.
[Virus corona ‘lật tẩy’ sự phụ thuộc của OPEC vào Trung Quốc]
Theo phân tích của Nikkei Nikkei Asian Review và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản dựa trên số liệu từ Ủy ban châu Âu, nếu sản lượng chế tạo của Trung Quốc giảm 10 tỷ USD, sản lượng các sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc của Hàn Quốc sẽ giảm gần 300 triệu USD.
Ngoài ra, nguồn cung sụt giảm từ Trung Quốc sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu các thành phẩm của Hàn Quốc giảm khoảng 200 triệu USD.
Như vậy, tác động kép sẽ khiến Hàn Quốc thiệt hại đến 500 triệu USD. Con số này đối với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ cộng lại, trừ Trung Quốc, có thể lên đến khoảng 6,7 tỷ USD.
Tác động này có thể còn lớn hơn thế. Chẳng hạn như Hyundai Motor sản xuất 34.000 xe ôtô mỗi tuần tại ba nhà máy ở Hàn Quốc, nhưng hoạt động sản xuất sẽ bị tạm ngừng đến hết ngày 11/2, vì sự gián đoạn nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc.
Các nhà máy này có thể hoạt động trở lại vào ngày 12/2, nhưng khó đoán được điều gì sẽ thực sự diễn ra. Chuyên gia phân tích của một công ty đầu tư Hàn Quốc cho biết, một tuần ngừng hoạt động của Hyundai có thể dẫn đến thiệt hại 700 tỷ won (587 triệu USD).
Tại Đài Loan (Trung Quốc), cổ phiếu của TSMC, một nhà cung cấp chip lớn của Apple, và Largan Precision, công ty sản xuất lens, đã sụt giảm mạnh.
Dù sản xuất ở Đài Loan, nhưng các công ty này lại bị ảnh hưởng bởi tập đoàn Foxconn, có tên chính thức là Hon Hai Precision Industry Co Ltd, vốn thực hiện hoạt động sản xuất điện thoại iPhone và nhiều sản phẩm khác tại Trung Quốc Đại lục.
Chuyên gia phân tích của một công ty đầu tư ở Đài Loan nhận định TSMC và nhiều công ty khác được dự đoán sẽ hưởng lợi lớn từ nhu cầu đối với các sản phẩm điện thoại thông minh (smartphone) 5G, nhưng sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất điện thoại thông minh ở Trung Quốc có thể sẽ khiến các kế hoạch sản xuất bị ngừng trệ.
Hãng điện tử Samsung Electronics của Hàn Quốc, nhà cung cấp linh kiện cho Apple và “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc Huawei, cũng khó có thể tránh khỏi bị ảnh hưởng. “Người đồng hương” của Samsung là LG Electronics cũng đã chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm 7% kể từ cuối năm ngoái.
Với các nền kinh tế nhỏ hơn khá nhiều so với Mỹ hay Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan chắc hẳn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Nhật Bản có thể miễn nhiễm khỏi tác động từ tình hình ở Trung Quốc.
Nhà sản xuất ôtô Honda Motor cho biết sẽ hoãn khởi động trở lại hoạt động sản xuất tại nhà máy của hãng ở tỉnh Hồ Bắc. Toyota Motor sẽ kéo dài thời gian đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc. Các động thái này sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất phụ tùng của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng chịu tác động từ sự gián đoạn nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc. Apple phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc cho các sản phẩm như điện thoại di động thông minh, vì thế việc ngừng sản xuất ở đây sẽ trực tiếp gây ra nhiều tổn thất.
Và khi tính đến cả ảnh hưởng lan tỏa gián tiếp đối với các ngành có liên quan ở Trung Quốc, tác động tiêu cực từ sự gián đoạn nói trên có thể lên đến khoảng 65 tỷ USD, gấp khoảng 6,5 lần so với sự sụt giảm sản lượng do tác động trực tiếp.
Trung Quốc còn là nước có hoạt động thương mại thuộc tốp đầu thế giới. Trung tâm Thương mại Quốc tế ước tính tỷ trọng của nước này trong thương mại toàn cầu đã tăng từ mức khá khiêm tốn chưa đến 6% năm 2003 lên khoảng 12% hiện tại, vượt cả Mỹ.
Hoạt động thương mại với Trung Quốc Đại lục chiếm đến 36% tổng kim ngạch thương mại của Đài Loan, nhà cung cấp chính các linh kiện điện tử cho Trung Quốc. Con số này với Hàn Quốc là 28%.
Người ta từng nói rằng khi "nước Mỹ hắt hơi, Nhật Bản cũng sẽ bị cảm lạnh." Tuy nhiên, giờ đây tỷ trọng hoạt động thương mại với Trung Quốc chiếm đến 22% tổng kim ngạch thương mại của Nhật Bản, vượt tỷ trọng 15% với Mỹ. Tỷ trọng này của Đức là 6%. Cả Nhật Bản và Đức đều chứng kiến con số này tăng mạnh kể từ năm 2003.
Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi thì đang lo sợ về khả năng đảo chiều các dòng vốn của Trung Quốc. Lượng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc, không tính vốn đầu tư vào hai đặc khu hành chính của nước này là Hong Kong và Macau, chỉ ở mức 8,1 tỷ USD vào năm 2003, nhưng con số này đã tăng phi mã, gấp hơn 100 lần lên 870 tỷ USD vào năm 2018.
Sự tăng trưởng trong vốn đầu tư của Trung Quốc đặc biệt rõ nét ở Đông Nam Á. Sự hiện diện của Trung Quốc đã mở rộng đáng kể từ năm 2003 ở Malaysia và Indonesia. Tuy nhiên, phụ thuộc vào những diễn biến tiếp theo của dịch bệnh do virus nCoV, vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc có thể mất đà và đảo chiều./.