Visa hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ nhanh phục hồi hậu COVID-19

Chương trình tài trợ She's Next từ Visa Việt Nam phối hợp với quỹ IFundWomen sẽ trao tặng 3 khoản tài trợ đến các nữ doanh nhân, mỗi khoản trị giá 10.000 USD.
Visa hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ nhanh phục hồi hậu COVID-19 ảnh 1Các đại biểu thảo luận tại sự kiện. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 28/3 tại Hà Nội, Công ty công nghệ thanh toán Visa công bố việc mở rộng Chương trình tài trợ toàn cầu có tên gọi She's Next đến với Việt Nam nhằm mục đích hỗ trợ các nữ doanh nhân trong hoạt động gọi vốn, điều hành và phát triển doanh nghiệp nhỏ.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết kể từ ngày 28/3 đến ngày 29/4, chương trình tài trợ She's Next sẽ nhận đơn đăng ký tham dự. Hồ sơ cần đảm bảo các điều kiện như người tham gia là công dân Việt Nam, đại diện cho doanh nghiệp đã hoạt động từ 1 năm và có ít nhất 51% số vốn chủ sở hữu do phụ nữ làm chủ. Người dự thi đăng ký tham gia tại https://tinyurl.com/VisaVietnamShesNext

[Standard Chartered hỗ trợ 25 triệu USD cho doanh nghiệp do nữ làm chủ]

Chương trình tài trợ She's Next từ Visa Việt Nam phối hợp với quỹ IFundWomen sẽ trao tặng 3 khoản tài trợ cho các nữ doanh nhân. Theo đó, mỗi khoản trị giá 10.000 USD và 1 năm làm thành viên của chương trình huấn luyện cùng cơ hội tham gia chuỗi các buổi hội thảo, kết nối cộng đồng doanh nhân của IFundWomen.

Chương trình này được xây dựng dựa trên cam kết của Visa nhằm nâng cao năng lực số hoá cho hơn 50 triệu doanh nghiệp nhỏ trên toàn cầu, qua đó giúp họ nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo đại diện Visa, trong tổng tài sản quốc gia hiện có 40%  do phụ nữ tạo ra, lao động nữ cũng chiếm 48,4% lực lượng lao động của cả nước. Tốc độ tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam hiện cũng dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, chỉ 37% doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ đủ điều kiện và cơ hội tiếp cận các khoản vay ngân hàng trong suốt 2 năm qua. Tỷ lệ thấp hơn so với mức 47% chủ doanh nghiệp là nam giới.

Vì vậy, Visa khuyến khích người tiêu dùng ủng hộ doanh nghiệp địa phương, cũng như đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi số. Qua đó, doanh nghiệp không chỉ hưởng được lợi ích từ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mà còn nâng cao hiệu suất kinh doanh. 

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) đưa ra lời khuyên: “Đối với nữ doanh nhân, khi tiếp cận chuyển đổi số cần xác định vấn đề của doanh nghiệp là gì, có thể quan sát đối thủ cạnh tranh hay đối tác đang làm tốt điều gì, có thể học được các giải pháp, công nghệ số từ họ được không? Sau khi quan sát sẽ xác định được vấn đề cần được giải quyết.”

Theo ông Hùng, chuyển đổi số không phải là một thời điểm mà là cả quá trình, do đó các doanh nghiệp cần đưa ra lộ trình chuyển đổi số lâu dài.

Ông Hùng cho biết thêm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, trước đây tỷ lệ thanh toán sử dụng tiền mặt rất cao, tuy nhiên khoảng 3-5 năm trở lại đây, tỷ trọng thanh toán tiền mặt giảm đi rõ ràng. Tất cả công ty công nghệ trong lĩnh vực thanh toán, chuyển mạch và các ngân hàng, trung gian thanh toán, công ty công nghệ tài chính đã rất nỗ lực và được sự hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều phương thức khác nhau như thanh toán ví điện tử, thẻ, tài khoản, Mobile Banking rất phổ biến.

Gần đây, Napas cùng các ngân hàng cũng đã đưa ra thị trường phương thức thanh toán mới là VietQR, việc này tạo thuận lợi trong thanh toán, đặc biệt trong điều kiện dịch COVID-19 diễn ra trong 2 năm qua đã tác động đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc đưa thanh toán không dùng tiền mặt thay thế thói quen thanh toán trước kia đã cho thấy xu hướng rất rõ nét, vì thế doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tận dụng xu hướng số hóa việc thanh toán đó.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ 4.0 như Big data, AI... sẽ giúp có được sự phân tích, nắm bắt hành vi thói quen của người tiêu dùng, trên cơ sở đó không những doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ khi phối hợp các nền tảng thanh toán điện tử và các giải pháp số khác nhau, có thể đọc hiểu hành vi người tiêu dùng, qua đó đưa ra giải pháp cá thể hóa, cá nhân hóa trải nghiệm và tạo ra sự phát triển bền vững, chắc chắn hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.