Ngày 4/12, tại thành phố Cần Thơ, Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương, Văn phòng khu vực phía Nam phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo với chủ đề "Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc, Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam."
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe Cục Xúc tiến Thương mại, các chuyên gia tư vấn Hàn Quốc, đại diện các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam chia sẻ các thông tin về những nội dung cơ bản trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), về hoạt động đầu tư và xu hướng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam khi VKFTA có hiệu lực, các Quy tắc xuất xứ hàng hóa và thủ tục cấp giấy chứng nhận hàng hóa cũng như những tác động, thuận lợi của các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Đây là dịp để hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp về các nội dung cam kết trong VKFTA, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp chuẩn bị chiến lược kinh doanh để tập dụng các lợi ích từ VKFTA.
Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại- Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán VKFTA, Hàn Quốc đã và đang trở thành đối tác thương mại, đầu tư hết sức quan trọng của Việt Nam với vị trí hàng đầu của các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư của Việt Nam-Hàn Quốc có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau khi hai bên ký kết chính thức Hiệp định VKFTA vào hồi tháng Năm vừa qua. Hiệp định này mở ra khuôn khổ pháp lý hết sức quan trọng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên đầu tư, hợp tác, mở rộng sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Cũng theo ông Bùi Huy Sơn, trong Hiệp định VKFTA được ký kết thì Việt Nam sẽ mở cửa hơn cho Hàn Quốc trong hai phân ngành là dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị; dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị khác không kèm người điều khiển. Hàn Quốc sẽ mở cửa thêm cho Việt Nam đối với năm phân ngành là dịch vụ pháp lý; dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa đường sắt; dịch vụ hỗ trợ dịch vụ vận tải đường sắt; dịch vụ nghiên cứu và phát triển khoa học tự nhiên.
Đối với lĩnh vực hàng hóa, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông thủy sản chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí... Đây là điều có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và thủy sản vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp này cần quan tâm phát triển. Đặc biệt, Việt Nam cũng là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang...
Theo ông Kim Chan Young, Chuyên gia Tư vấn Đầu tư Kotra HCM (Hàn Quốc) hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư số một tại Việt Nam với tổng mức đầu tư là 39 tỷ USD (tính đến tháng 6/2015) với 4.459 dự án. Xu hướng đầu tư của Hàn Quốc là chuyển hướng sang lĩnh vực tạo giá trị cao như từ điện, điện tử, phụ tùng nguyên vật liệu sang dệt, may mặc.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc chủ động tham gia vào phân phối, bán sỉ và bán lẻ, khách sạn, chuyển nhượng quyền kinh doanh. Phần lớn các doanh nghiệp đầu tư gần Thành phố Hồ Chí Minh hoặc tập trung thành cụm cách các thành phố lớn từ 1-2 giờ đi xe.../.