Theo Nghị định ban hành biểu thuế về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA), năm 2018 có 5.535 dòng thuế cắt giảm về 0% và có 3.720 dòng thuế đang tiếp tục về 0% gồm các mặt hàng sữa và sản phẩm từ sữa, ôtô và phụ tùng linh kiện ôtô, sắt thép và sản phẩm sản thép…
Theo ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp, điều này giúp các doanh nghiệp có mặt lợi về thị trường nhưng cũng khó khăn khi cạnh tranh.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết hiện Việt Nam vẫn đang xuất khẩu chủ yếu thép sang các thị trường truyền thống ở ASEAN. Còn các nước tại châu Âu, nhất là các nước trong EAEU thì Việt Nam chưa xuất khẩu thép sang nhiều. Do đó, với hiệp định này và việc giảm các dòng thuế; trong đó, có mặt hàng sắt thép sẽ tạo ra cơ hội rất rõ ràng cho doanh nghiệp thép. Nhưng doanh nghiệp có nắm bắt, tiếp cận được thị trường này, tận dụng được hay không lại là điều không dễ.
Theo ông Sưa, các nước trong khối Liên minh Kinh tế Á-Âu có ngành công nghiệp thép sản xuất từ lâu, chất lượng và công nghệ cao, giá thành cạnh tranh, do đó Việt Nam có thể nhập khẩu nhiều mặt hàng với thuế suất 0%. Đồng thời, doanh nghiệp Việt cũng có thể thông qua đó, hợp tác, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các nước này để áp dụng vào sản xuất của mình. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực, doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nước này, đặc biệt là thép xây dựng.
Việt Nam cũng đã có nhiều doanh nghiệp mạnh, đầu tư rất lớn để nâng cao chất lượng, giảm giá thành, hay đảm bảo thời gian, dịch vụ cung ứng sản phẩm, vươn lên trong xuất khẩu như Hòa Phát, Hoa Sen, Vnsteel, Tôn Phương Nam, Nam Kim... Tuy nhiên, các doanh nghiệp này phần lớn hiện vẫn là những doanh nghiệp thép có quy mô nhỏ, công suất vài trăm nghìn tấn, nên năng lực sản xuất, tài chính, công nghệ còn kém, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của sản phẩm thép trong nước.
Vì thế ông Sưa cho rằng, để tận dụng được cơ hội từ VN-EAEU FTA mang lại, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp thì Nhà nước cũng có thể hỗ trợ tìm hướng mở rộng hơn thị trường xuất khẩu. Theo đó, không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như ASEAN, mà phải hướng tới các thị trường mà Việt Nam đang hội nhập, tận dụng lợi thế về ưu đãi thuế quan. Chẳng hạn như hỗ trợ doanh nghiệp trong vụ việc áp thuế tôn mạ của Hoa Kỳ mới đây...
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải có chiến lược trong việc tìm hiểu kỹ những quy định, các dòng thuế cắt giảm, luật lệ của các nước và cả những biện pháp phòng vệ thương mại để có ứng phó kịp thời và phù hợp.
[Một số mặt hàng dệt may vượt ngưỡng quy định trong FTA Việt Nam-EAEU]
Theo ông Hoàng Minh Trí, Tổng giám đốc Công ty 4P chuyên sản xuất linh kiện điện tử, hội nhập và các hiệp định FTA nói chung luôn mang lại cả mặt lợi về thị trường và những khó khăn khi cạnh tranh. Với 4P, ông nhận thấy hội nhập, và việc giảm thuế chính là cơ hội, để doanh nghiệp tiếp cận thêm về công nghệ các nước, mở rộng đối tác hơn nữa. Với mức thuế giảm về 0%, doanh nghiệp có cơ hội mở rộng xuất khẩu.
Để doanh nghiệp phát triển ngay trong hội nhập, quan trọng hơn cả vẫn phải đi lên bằng chính nỗ lực và nội lực của doanh nghiệp. Muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn, mở rộng hơn thị trường, doanh nghiệp phải đáp ứng về chất lượng hàng hóa, đảm bảo dịch vụ tốt, giao hàng đúng hạn, xây dựng mức giá cạnh tranh…
Đến nay, Công ty 4P không những vào được chuỗi cung ứng của Canon, LG... mà còn được hãng LG mời tham gia sản xuất bản mạch điện tử tại Hải Phòng. Như vậy, tiêu chuẩn đặt ra cho sản xuất phải rất khắt khe và chuẩn xác, chỉ cần một lý do sơ xuất nhỏ, sản xuất sẽ bị ảnh hưởng, ngừng trệ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong quá trình tham gia các FTA hiện nay, nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Doanh nghiệp trong nước đến nay có thể nói là hưởng lợi rất ít từ các quyết định ưu đãi công nghiệp hỗ trợ. Ngoài sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp thì bàn tay hỗ trợ về thuế, phí, đất đai… của nhà nước cũng là rất quan trọng./.