VN quan tâm vấn đề an toàn vệ sinh lao động

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân khẳng định an toàn vệ sinh lao động là một vấn đề luôn được Việt Nam ưu tiên quan tâm trong chiến lược bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân khẳng định an toàn vệ sinh lao động là một vấn đề luôn được Việt Nam ưu tiên quan tâm trong chiến lược bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực.
 
Phát biểu trong hội thảo kỷ niệm Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc, tổ chức ở Hà Nội ngày 28/4, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh chính sách này “càng có ý nghĩa đặc biệt trước những thách thức khi Việt Nam đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 và đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.”
 
Thứ trưởng cho biết thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm phòng ngừa và giảm thiểu các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc. Năm 1994, Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên phê chuẩn Công ước về an toàn vệ sinh lao động và môi trường làm việc. Năm 2005, với sự trợ giúp kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lần đầu tiên Việt Nam đã hoàn thành hồ sơ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động.
 
Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010 với mục tiêu giảm tần suất tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Tại Tuyên bố Seoul năm 2008, Việt Nam đã cùng nhiều quốc gia cam kết thúc đẩy thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động ở các cấp và nêu cao trách nhiệm của toàn xã hội.
 
Nhấn mạnh “mọi người ở khắp nơi đều phải đối mặt với những thách thức về các nguy cơ về an toàn và sức khoẻ tại nơi làm việc,” bà Rie Veij Kjeldgaard, Giám đốc ILO tại Việt Nam, dẫn ra con số đáng báo động khi cứ 15 giây lại có 160 người bị tai nạn lao động, trong đó có 1 người chết.
 
Theo ILO, ước tính chi phí về tài chính cho các vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp chiếm khoảng 4% tổng GDP toàn cầu và gấp hơn 20 lần tổng vốn ODA trên toàn thế giới.
 
Còn tại Việt Nam, theo Cục An toàn Lao động thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm xảy ra trên 4.600 vụ tai nạn lao động, làm gần 5.000 người bị thương và khoảng 500 người chết.
 
Mặc dù đã chú trọng công tác tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, nhưng trình độ nhận thức và ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn lao động của cả người làm và chủ sử dụng lao động vẫn chưa cao. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn lao động.
 
Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết hàng năm chỉ có khoảng 18-20% số cơ sở y tế nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp được giám sát về môi trường lao động và dưới 10% số người lao động tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm độc hại được khám sức khoẻ nghề nghiệp.
 
Cùng với việc tổ chức hội thảo này, hưởng ứng Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc 2009 với chủ đề “Sức khỏe và cuộc sống tại nơi làm việc: Quyền cơ bản của con người,” Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội còn phối hợp với ILO tổ chức Ngày hội em vẽ về an toàn lao động cho khoảng 100 học sinh tiểu học./.
 
Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục