Người đứng đầu bộ phận công đoàn của hãng chế tạo ôtô Đức Volkswagen, ông Bernd Osterloh, ngày 6/9 cho biết Volkswagen sẽ không cần áp dụng mô hình làm việc 4 ngày/tuần để đảm bảo việc làm, cho dù ngành ôtô ngày càng dịch chuyển sang sản xuất ôtô điện, vốn được sản xuất dễ dàng hơn và đòi hỏi ít nhân công hơn.
Trước đó, ngày 15/8, nghiệp đoàn lao động IG Metall lớn nhất của Đức đã đề xuất đàm phán để chuyển sang hình thức làm việc 4 ngày/tuần cho toàn bộ ngành công nghiệp ôtô, nhằm giúp duy trì việc làm trước những ảnh hưởng kinh tế của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng như sự thay đổi cơ cấu trong lĩnh vực ôtô.
[Volkswagen đối mặt với nguy cơ bị kiện trên toàn EU]
Tuy nhiên, ông Osterloh nói với tờ Welt am Sonntag rằng kế hoạch cắt giảm chi phí hiện nay của Volkswagen, trong đó có việc cắt giảm 7.000 lao động thông qua chương trình nghỉ hưu sớm đối với các nhân viên thuộc bộ phận hành chính tại trụ sở Wolfsburg, là đủ để giúp Volkswagen vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 và nhiều vấn đề khác.
Ông nói thêm: "Hình thức làm việc 4 ngày/tuần không là vấn đề đối với chúng tôi."
Các yêu cầu của IG Matall - tổ chức đại diện cho 2,3 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực điện và kỹ thuật chế tác kim loại, có ảnh hưởng đáng kể ở Đức bởi họ thường đặt ra các tiêu chuẩn cho các cuộc đàm phán về tiền lương trong những ngành này.
Năm 2016, Volkswagen đã đưa ra chương trình cắt giảm chi phí, có tên gọi Future Pact, song hãng này loại bỏ kế hoạch cho nghỉ việc bắt buộc cho đến năm 2025.
Ông Osterloh hồi tháng 7/2020 nói rằng Volkswagen không cần cắt giảm chi phí hơn nữa để chống lại tác động xấu của đại dịch COVID-19./.