Vốn đầu tư công sẽ tiếp tục tập trung cho chương trình mục tiêu quốc gia

Năm 2025, vốn đầu tư công tiếp tục tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, dự án trọng điểm, đường ven biển, dự án liên kết vùng, liên tỉnh...

(Ảnh minh họa: Hoàng Nhị/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), cho biết năm 2025, vốn đầu tư công tiếp tục tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, dự án trọng điểm, đường ven biển, dự án có tính chất liên kết vùng, liên tỉnh, liên quốc gia có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn khu vực tư nhân trong và ngoài nước và đảm bảo phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng lãnh thổ.

Ưu tiên đáp ứng nhu cầu vốn để hoàn thành một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông (giai đoạn 2021-2025), khởi công mới các Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa, cao tốc Dầu Giây-Tân Phú, cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn, cao tốc phía Tây đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành...

Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2024 vừa diễn ra tại Quảng Ninh, ông Dương Bá Đức cũng cho biết nguồn vốn đầu tư công trong năm 2024 tiếp tục tập trung cho các dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt là các dự án cao tốc nhằm tạo không gian phát triển.

Cụ thể, năm 2024, vốn ngân sách nhà nước bố trí khoảng 101.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương khoảng hơn 79.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 22.000 tỷ đồng cho 9 dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông.

Bên cạnh các dự án giao thông, các dự án hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được quan tâm bố trí vốn làm động lực cho phát triển sản xuất bền vững, tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại diện Vụ Đầu tư cũng cho biết dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đạt được những kết quả tích cực; vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng để tiếp tục hoàn thành mục tiêu của các chương trình mục tiêu đề ra. Năm 2024, ngân sách trung ương bố trí 27.200 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện nhiều.

Tuy nhiên, theo ông Dương Bá Đức, việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập như các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng tại một số địa phương, thủ tục điều chỉnh chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước; vướng mắc về vật liệu xây dựng cho thi công, nguồn vật liệu đất đắp nền đường...

Cùng với đó, việc hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chưa đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội quyết nghị, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 678 nghìn tỷ đồng bao gồm vốn ngân sách trung ương là 246.000 tỷ đồng (vốn trong nước là 225.500 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 20.000 tỷ đồng) và vốn ngân sách địa phương là 432.300 tỷ đồng.

Trong số đó, vốn ngân sách trung ương bố trí cho các dự án, nhiệm vụ thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 27.000 tỷ đồng, bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác là hơn 118.000 tỷ đồng.

Kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2024 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ là hơn 68.000 tỷ đồng; kế hoạch vốn các năm được cho phép kéo dài là 56 nghìn tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 đưa vào nền kinh tế hơn 802.000 tỷ đồng, cao hơn bình quân các năm (năm 2021 là 607,6 tỷ đồng, năm 2022 là 734.200 tỷ đồng, năm 2023 là năm lượng vốn đầu tư công đưa vào nền kinh tế lớn nhất để phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19).

Đây là một nguồn lực quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các ngành nghề, lĩnh vực phát triển mạnh mẽ hơn.

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết tính đến hết tháng 11/2024, ước cả nước giải ngân được hơn 410.953 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng won của Hàn Quốc. (Ảnh: freepik/TTXVN)

Xếp hạng tín dụng của Hàn Quốc vẫn ổn định

Bộ trưởng Tài chính đã nhấn mạnh rằng các hệ thống quản lý và giám sát tài chính tiền tệ của Chính phủ Hàn Quốc, bao gồm thị trường và các cơ chế quản lý khủng hoảng, đang hoạt động bình thường.