Vốn đầu tư nước ngoài giải ngân 7,4 tỷ USD trong bảy tháng

Bảy tháng của năm 2015, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính đã giải ngân được 7,4 tỷ USD và tăng 8,8% với cùng kỳ năm 2014.
Vốn đầu tư nước ngoài giải ngân 7,4 tỷ USD trong bảy tháng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bảy tháng của năm 2015, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính đã giải ngân được 7,4 tỷ USD và tăng 8,8% với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký lại giảm, chỉ đạt 8,8 tỷ USD, bằng 92,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công bố tại Báo cáo từ Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, đến ngày 20/7, cả nước có 1.068 dự án mới được cấp Giấy phép đầu tư với tổng vốn đăng ký là 6,92 tỷ USD, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm trước; 341 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,88 tỷ USD và bằng 70,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 7 tháng tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 64,6 tỷ USD và chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bảy tháng, khối ngoại đã nhập khẩu 56,6 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 59% tổng kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, tính chung bảy tháng, khu vực đầu tư nước ngoài đã xuất siêu 8,02 tỷ USD.

Không có nhiều thay đổi, dòng vốn ngoại tiếp tục hướng về khu vực công nghiệp chế biến-chế tạo với số vốn 6,14 tỷ USD, chiếm 69,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục thu hút sự quan tâm của khối ngoại và đứng thứ hai với số vốn 1,69 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư.

Ngành bán buôn, bán lẻ và sửa chữa cũng có những chuyển biến mới về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với 141 dự án đầu tư mới và 26 lượt dự án tăng vốn, có tổng vốn đầu tư đăng ký là 294,9 triệu USD.

Hiện, Hàn Quốc là quốc gia có nguồn vốn FDI dẫn đầu đạt 1,91 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Vương quốc Anh đứng vị trí thứ 2 với số vốn là 1,24 tỷ USD chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư và Quần đảo VirginIslands-Anh đứng vị trí thứ ba, có tổng vốn đầu tư 835,3 triệu USD, chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư./.

Một số dự án lớn được cấp phép trong bảy tháng:

- Dự án Công ty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương tổng vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD do Cty cổ phần bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH bất động sản Trần Thái liên doanh với nhà đầu tư Denver Power Ltd (Vương quốc Anh) đầu tư bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Dự án Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai tổng vốn đầu tư 660 triệu USD do nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Khu công nghiệp Đồng Nai ​để sản xuất và gia công các loại sợi.

- Dự án Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do nhà đầu tư BritishVirginIslands đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp.

- Dự án Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) tổng vốn đầu tư 274,2 triệu USD do nhà đầu tư Bermuda tại Khu công nghiệp Bình Dương với mục tiêu sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.