Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm 2020.
Mức giảm này là mạnh nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 4/2021 và đầu tháng 5/2021 tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Trước đó, vốn FDI đăng ký sáu tháng giảm 2,6%, trong khi năm tháng vẫn tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong tổng số 16,7 tỷ USD vốn FDI thu hút được trong bảy tháng, có 1.006 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm gần 38%, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, 561 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,54 tỷ USD, giảm 3,7% và 2.403 lượt giấy phép mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm hơn 46% với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 2 tỷ USD, giảm gần 56% so với cùng kỳ năm trước.
[Dòng vốn FDI sẽ gỡ nút thắt nguồn cung, thổi làn gió vào bất động sản]
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới thu hút FDI của Việt Nam. Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố vào trung tuần tháng 7/2021 cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp đã bị suy giảm mạnh do ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư.
Mặc dù, nguồn vốn FDI đăng ký giảm mạnh song điểm tích cực trong bức tranh thu hút FDI bảy tháng là vốn FDI giải ngân vẫn tăng nhẹ 3,8% so với cùng kỳ 2020, với mức 10,5 tỷ USD.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đứng đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 7,9 tỷ USD, chiếm hơn 47% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với 5,49 tỷ USD, chiếm gần 33% tổng vốn đầu tư đăng ký và lĩnh vực kinh doanh bất động sản hơn 1 tỷ USD, chiếm gần 7% tổng vốn đầu tư đăng ký…
Về đối tác đầu tư, đã có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 2,54 tỷ USD. Đáng chú ý, nguồn vốn FDI đến từ Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 81% và hơn 68% tổng vốn đăng ký của hai quốc gia này.
Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,2 tỷ USD, giảm trên 22% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)…
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 57 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó Long An tiếp tục là địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,58 tỷ USD. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD và Bình Dương đứng thứ ba với 1,33 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội…
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, song mức độ tăng giảm nhẹ so với sáu tháng đầu năm nay. Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt gần 136 tỷ USD, tăng xấp xỉ 29% so với cùng kỳ, chiếm 73,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 135 tỷ USD, tăng hơn 29% so với cùng kỳ, chiếm trên 73% kim ngạch xuất khẩu.
Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 15 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu hơn 14 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu trên 17 tỷ USD./.