Vốn FDI vào Trung Quốc tăng 8% trong sáu tháng đầu năm

Vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc tăng 8% trong sáu tháng đầu năm nay, khi giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập của các công ty nước ngoài tăng hơn bốn lần.
Vốn FDI vào Trung Quốc tăng 8% trong sáu tháng đầu năm ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, vốn đầu tư nước ngoài vào nước này tăng 8% trong sáu tháng đầu năm nay, khi giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) của các công ty nước ngoài tăng hơn bốn lần.

Trong một thông báo, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), không kể lĩnh vực tài chính, đạt tổng 68,41 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm, khi cả tỷ lệ và giá trị các thương vụ M&A mà các công ty nước ngoài thực hiện đều tăng mạnh.

Giá trị các vụ M&A đạt 13,19 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ trọng của hoạt động này trong tổng FDI tăng từ mức 4,8% lên 19,3%.

Người phát ngôn Shen Danyang của bộ trên cho hay do giá đất và các chi phí khác ở Trung Quốc tăng, nhiều công ty đang đầu tư vào nước này theo hình thức M&A, nhưng không cung cấp chi tiết về bất kỳ thương vụ nào.

Ở chiều ngược lại, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc tăng 29,2%, đạt 56 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm.

Trung Quốc thu hút tổng cộng 119,6 tỷ USD vốn FDI trong năm 2014, tăng 1,7%, trong khi ODI đạt 102,9 tỷ USD, tăng 14,1%, vượt mốc 100 tỷ USD lần đầu tiên khi các công ty nước này tìm cơ hội ở nước ngoài trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước giảm tốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 7,4% năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 1990, và chỉ tăng 7% trong hai quý đầu năm nay.

Lượng vốn FDI tăng chậm lại trong những năm gần đây do nhiều yếu tố như sự gia tăng chi phí và cạnh tranh cũng như những lo ngại trước các cuộc điều tra của các nhà chức trách Trung Quốc nhằm vào các công ty nước ngoài.

Trong lúc Trung Quốc gia tăng thâu tóm các tài sản của nước ngoài, nhất là tài nguyên và năng lượng, khi các công ty được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để có thể mở rộng việc tiếp cận thị trường và học hỏi kinh nghiệm của quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.