Vốn rót vào các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM tăng hơn 21%

Chánh văn phòng Hepza cho biết riêng tổng vốn đầu tư nước ngoài vào các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đạt 48,8 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Vốn rót vào các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM tăng hơn 21% ảnh 1 Tổng vốn đầu tư thu hút vào khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn 21%. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trong quý 1 năm 2023, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh ở các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đạt 90,14 triệu USD, tăng 21,36% so cùng kỳ và đạt 16,39% kế hoạch năm.

Thông tin trên được bà Bùi Thị Nữ, Chánh Văn phòng Ban Quản lý các khu chế xuất, công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết tại buổi họp cung cấp thông tin về tình hoạt động các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố 3 tháng đầu năm 2023 do Ban Quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) tổ chức ngày 30/3.

Theo bà Bùi Thị Nữ, về đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 48,8 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, cấp giấy phép đầu tư mới có 4 dự án với vốn đầu tư đăng ký 2,17 triệu USD, 5 dự án điều chỉnh vốn với số vốn 46,63 triệu USD, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022.

[Phát triển khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh: Thí điểm sau mở cửa]

Về đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư thu hút đạt hơn 956,2 tỷ đồng (tương đương 41,35 triệu USD), giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Về hoạt động giám sát dự án đầu tư, trong quý 1 có 18 dự án đi vào hoạt động, 6 dự án triển khai xây dựng, 2 dự án chấm dứt hoạt động (giảm 9 dự án so với cùng kỳ năm 2022),1 dự án ngừng hoạt động (giảm 1 dự án) do thiếu đơn hàng, thiếu vốn.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút đầu tư theo đúng định hướng, theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất, công nghiệp thành phố, Hepza đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp; tăng cường giám sát, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc các khu công nghiệp đã thành lập nhưng chưa triển khai; đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thành lập các khu công nghiệp.

Trong quý 2 năm 2023, Hepza sẽ tăng cường hỗ trợ, giám sát hoạt động doanh nghiệp thông qua các Hội nghị đối thoại chuyên đề giữa Ban Quản lý và các doanh nghiệp về hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất.

Tổng hợp kết quả khảo sát nhu cầu cần được hỗ trợ của các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp để xây dựng giải pháp hỗ trợ cụ thể; triển khai hội nghị kết nối cung-cầu của doanh nghiệp trong khu công nghiệp; hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp; khảo sát tỷ lệ nội địa hóa doanh nghiệp.

Theo Hepza, lũy kế đến nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố thu hút gần 1.700 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,43 tỷ USD; trong đó, dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 554 dự án, vốn đầu tư đăng ký 6,92 tỷ USD; dự án có vốn đầu tư trong nước là 1.145 dự án, vốn đầu tư đăng ký 100.240 tỷ đồng (tương đương 5,51 tỷ USD).

Hiện có 1.482 dự án đang hoạt động; trong đó, có 517 dự án có vốn đầu tư nước ngoài; có 73 dự án đang xây dựng cơ bản; 98 dự án đang trong quá trình thực hiện các thủ tục triển khai theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.