VPI dự báo giá xăng và dầu diesel đều giảm trong kỳ điều hành ngày 14/3

VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 14/3 có thể giảm không đáng kể từ 93-141 đồng, đưa giá xăng về mức 22.369 đồng/lít (E5 RON 92) và 23.457 đồng/lít (RON 95).

Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy tại kỳ điều hành ngày mai 14/3, giá bán lẻ xăng và dầu diesel dự báo giảm nhẹ từ 0,3-0,6% và Liên bộ Tài chính - Công Thương có thể sẽ tiếp tục trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut.

Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 14/3 có thể giảm không đáng kể từ 93-141 đồng, đưa giá xăng về mức 22.369 đồng/lít (E5 RON 92) và 23.457 đồng/lít (RON 95).

Ngoại trừ dầu diesel được dự báo giảm nhẹ về mức 20.408 đồng/lít, giá bán lẻ dầu hoả và mazut được mô hình dự báo tăng từ 27-248 đồng.

Mô hình của VPI dự báo kỳ này Liên bộ Tài chính-Công Thương có thể sẽ tiếp tục trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu quốc tế hồi phục sau khi giảm vào phiên trước đó. Theo dữ liệu từ Oilprice, vào tối 12/3 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 82,37 USD/thùng, tăng 0,19% so với phiên liền trước; giá dầu ngọt nhẹ WTI ở mức 78,16 USD/thùng, tăng 0,3% so với phiên liền trước.

Giá dầu tăng do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục làm dấy lên nhiều lo ngại cho nhà đầu tư. Giới đầu tư đang cảnh giác với những bất ổn về địa chính trị tại Trung Đông, khi lực lượng Houthi liên kết với Iran ở Yemen tăng cường trở lại các cuộc tấn công nhằm vào các tàu thương mại trên Biển Đỏ.

Tại Đông Âu, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào các cơ sở năng lượng của Nga có khả năng làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung tại nước xuất khẩu dầu bằng đường biển lớn nhất thế giới này.

Bên cạnh đó, sự gia tăng trong hoạt động lọc dầu của Mỹ có thể thắt chặt nguồn cung dầu thô toàn cầu. Điều này góp phần nâng đỡ giá dầu.Trong tuần trước, Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 ở khoảng 5%, mức mà nhiều nhà phân tích cho là tham vọng nếu nước này không tăng cường các biện pháp kích thích.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới, trong hai tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn trong các tháng trước.

Về phía nguồn cung, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, nhóm OPEC+, đầu tháng này đã nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý 2/2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.