Vụ bé gái bị găm đinh vào đầu: Hồi chuông cảnh báo về bảo vệ trẻ em

Vụ việc bé gái 3 tuổi bị ghim đinh vào đầu một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em cũng như ý thức tố giác tội phạm, bảo vệ trẻ em ngay trong cộng đồng dân cư.
Vụ bé gái bị găm đinh vào đầu: Hồi chuông cảnh báo về bảo vệ trẻ em ảnh 1Bé Đ.N.A đang được cấp cứu tại bệnh viện Xanh Pôn. (Nguồn: cand.com.vn)

Liên quan đến vụ bé gái ở Thạch Thất, Hà Nội nhập viện trong tình trạng hôn mê có 9 đinh ghim trong đầu, ngày 20/1, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng cho rằng cần nâng cao ý thức tố giác tội phạm, bảo vệ trẻ em ngay trong cộng đồng dân cư.

Theo bà Ninh Thị Hồng, vụ việc một lần nữa dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, đặt ra lo ngại về tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em hiện nay đang ngày càng gia tăng với mức độ báo động, đặc biệt là trong các gia đình có bố, mẹ ly hôn.

Việc cháu bé bị ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe trong thời gian sinh sống cùng mẹ cho thấy, môi trường sống của cháu bé có dấu hiệu thiếu an toàn và đã được cảnh báo bảo vệ từ sớm.

[Điều tra nguyên nhân bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị nhiều đinh găm vào đầu]

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho rằng trước khi nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu và có 9 đinh ghim trong đầu, cháu bé đã 2 lần nhập viện cấp cứu, một lần là uống thuốc trừ sâu, lần thứ hai là nuốt dị vật.

Nếu như gia đình, người thân chú ý, cảnh giác, tìm hiểu về những việc cháu bé trải qua để có cách xử lý kịp thời thì có thể cháu bé đã không rơi vào tình cảnh hiện tại.

Bà Ninh Thị Hồng nhấn mạnh ở các gia đình "rổ rá cạp lại," bên cạnh trách nhiệm nuôi dạy con của bố mẹ, người thân cũng phải có trách nhiệm quan tâm, để ý đến cuộc sống của trẻ, xem trẻ có được sống an toàn, đảm bảo không.

Nếu thấy trẻ có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại, gia đình cần có biện pháp can thiệp như thay đổi quyền nuôi con; báo cho cơ quan chức năng để kịp thời can thiệp, không để những vụ việc đau lòng tiếp tục xảy ra.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng kiến nghị, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi đang soạn thảo cần có những điều luật cụ thể trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em tại gia đình.

Các cấp chính quyền cần tuyên truyền để người dân hiểu và có ý thức tố giác tội phạm, bảo vệ trẻ em ngay trong cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục