Mười ngày sau vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng ở chung cư mini tại quận Thanh Xuân làm hàng chục người thương vong, ngày 22/9, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng trong vụ cháy này và Nghị quyết về các biện pháp tăng cường phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Động thái quyết liệt này của Thủ đô nối sau các quyết định tố tụng và tổng kiểm tra các chung cư mini trên địa bàn, kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức Đảng tại quận Thanh Xuân.
Đồng tình với chủ trương, biện pháp của thành phố, nhưng lúc này dư luận vẫn bỏ ngỏ câu hỏi, vì sao những vi phạm trong phòng cháy, chữa cháy và sự buông lỏng quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát trật tự xây dựng ở cơ sở lại có thể tồn tại dai dẳng, nhức nhối bấy lâu để rồi dẫn đến hậu quả thảm họa đêm 12/9?
Năm 2015, ông Nghiêm Quang Minh, sinh năm 1979 (trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) được quận Thanh Xuân cấp phép xây nhà ở riêng lẻ 6 tầng tại số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ. Tuy nhiên, ông này đã xây dựng vượt 4 tầng so với giấy phép xây dựng, chia thành 45 căn hộ để bán.
Khi đi vào hoạt động, chung cư này đã có nhiều đơn thư phản đối của hàng xóm và hai lần bị quận Thanh Xuân ra văn bản xử phạt, cưỡng chế. Tuy nhiên, 8 năm qua, công trình xây sai phép cách trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Khương Đình không xa vẫn chưa bị xử lý.
Theo phản ánh của dư luận, ngoài chung cư bị cháy, ông Nghiêm Quang Minh còn là chủ đầu tư hoặc chung tên cùng người khác đầu tư, xây dựng nhiều chung cư mini khác trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Tây Hồ…
Điểm chung của các chung cư mini của Nghiêm Quang Minh là hầu hết đều vi phạm trật tự xây dựng, không bảo đảm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Song ở Hà Nội, những chung cư mini như của Nghiêm Quang Minh không phải là trường hợp cá biệt. Không khó để điểm ra hàng loạt những công trình xây dựng và chung cư mini nói riêng giữa Thủ đô có vi phạm này.
Vấn đề là sai phạm đó, dường như chính quyền địa phương biết rất rõ, thậm chí đã sớm kiểm tra và lập đầy đủ hồ sơ, biên bản vi phạm. Nhưng việc xây dựng và hoàn thiện các công trình sai phạm đó vẫn tiếp tục diễn ra một cách rầm rộ và ngang nhiên giữa các tuyến đường lớn, khu dân cư đông đúc.
Đề cập vấn đề này, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhận định đây là vụ việc điển hình cho thấy hạn chế của lực lượng quản lý trật tự xây dựng ở cơ sở.
Cấp ủy, chính quyền từ quận, huyện đến phường, xã chưa thực sự quan tâm đến công tác này.
Đối với vi phạm xây dựng trên địa bàn, các phường nắm rõ “như lòng bàn tay” nên phải xử lý vi phạm được ngay từ khi bắt đầu. Nhưng đâu đó vẫn có cơ quan chính quyền chỉ lập biên bản cho có, khi có vấn đề xảy ra, dư luận quan tâm mới đem ra xử lý.
[Nếu cứ xử phạt cho tồn tại, sẽ còn nhiều ‘quả bom’ chung cư chờ nổ]
Phải thẳng thắn nói rõ, để xây dựng một dự án, công trình có phép trên đất hợp pháp đòi hỏi tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư phải mất nhiều thời gian, công sức, từ xin giấy phép, trình báo chính quyền địa phương, ký thỏa thuận với hàng xóm, rồi phải chịu sự quản lý, kiểm tra thường xuyên của cơ quan chức năng.
Nếu dự án, công trình xây dựng đó có vi phạm, chính quyền địa phương sẽ ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ, phá dỡ, đồng thời yêu cầu các tổ chức, cá nhân này chấp hành.
Trường hợp các tổ chức, cá nhân này không chấp hành, chính quyền địa phương sẽ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ, phá dỡ theo đúng quy định pháp luật.
Tất cả những điều này đều quy định rất rõ trong Luật Xử lý Vi phạm Hành chính 2012, Luật Xử lý Vi phạm Hành chính Sửa đổi 2020, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng…
Thế nhưng, thực tế những sai phạm này đã không bị ngăn chặn triệt để, xử lý kịp thời. Sai phạm vẫn tràn lan rồi trở thành một vấn nạn và xảy ra hậu quả thảm khốc đêm 12/9?
Bức xúc trước những sai phạm và sự buông lỏng của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng ở cơ sở, có ý kiến ví von vấn nạn đó như “con voi chui lọt lỗ kim." Thực tế, Hà Nội hiện có rất nhiều chung cư mini xây vượt tầng so với giấy phép.
Chính bởi vậy dư luận đang rất trông đợi “nói đi đôi với làm” nhằm chấm dứt tình trạng xây dựng sai phép, buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát về trật tự xây dựng, siết chặt công tác phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở; sự nghiêm minh trong xử lý các cá nhân, tổ chức vì lợi ích cá nhân mà làm sai trái, gây hậu quả nghiêm trọng như vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội khiến 56 người chết và 37 người bị thương.
Dư luận đang rất quan tâm, theo dõi những động thái quyết liệt của chính quyền và lực lượng chức năng Hà Nội trong 10 ngày qua, kể từ sau vụ cháy thảm khốc đêm 12/9, khi Nghiêm Quang Minh - chủ của chung cư mini bị bắt để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Điều 313 Bộ luật Hình sự; tiến hành tổng kiểm tra đối với loại hình nhà ở này và kiểm tra ba tổ chức Đảng sau vụ cháy, gồm: Ban Thường vụ Quận ủy, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân, Đảng ủy phường Khương Đình nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025; đặc biệt là ngày 22/9, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng trong vụ cháy này và Nghị quyết về các biện pháp tăng cường phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Giờ đây, những “con voi” có còn chui lọt “lỗ kim” hoàn toàn phụ thuộc vào việc các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp thực thi đúng nhiệm vụ và xử lý nghiêm minh các sai phạm!./.