Vụ hạt điều xuất sang Italy: Những container cuối cùng được giải phóng

Ngày 30/5, những container hạt điều còn lại trong số 35 container hàng bị mất kiểm soát chứng từ gốc hồi đầu tháng 3 vừa qua đã được giải phóng.
Vụ hạt điều xuất sang Italy: Những container cuối cùng được giải phóng ảnh 1Luật sư Davide Galllasso thuộc Văn phòng luật sư Davide Gallasso và cộng sự tại Lecco (Italy). (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 30/5, những container hạt điều còn lại trong số 35 container hàng bị mất kiểm soát chứng từ gốc hồi đầu tháng 3 vừa qua đã được giải phóng, dẫn đến cái kết tốt đẹp cho vụ xuất khẩu 100 container hạt điều sang Italy qua môi giới của công ty Kim Hạnh Việt.

Các công ty Việt Nam đã tránh được rủi ro lớn nhất - là mất tất cả hàng hóa - trong thời gian ngắn nhất, giảm tối đa thiệt hại về kinh tế.

Luật sư Davide Gallasso, người đã bảo vệ thành công 6 công ty xuất khẩu điều Việt Nam bị mất kiểm soát các chứng từ gốc trên, cho biết các tòa án hình sự và dân sự Italy đã đưa ra những phán quyết có lợi cho cả 6 công ty, những bước tiến rất quan trọng.

Ngoài 12/35 container hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam đã giành được quyền kiểm soát hồi đầu tháng 4 vừa qua, toàn bộ 23 container hàng còn lại đều được tòa trả lại cho các công ty Việt Nam.

Đối với 3 công ty xuất khẩu, không vội vã đặt cược 150% giá trị lô hàng cho các hãng tàu để lấy hàng ra, thì tòa hình sự tại thành phố Genova đã ra phán quyết rằng “phải trả lại hàng ngay lập tức cho 2 công ty xuất khẩu hạt điều. Các công ty Việt Nam có thể lấy lại hàng hoặc bán cho người mua mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra phán quyết.”

Với các lập luận và biện hộ sắc bén của luật sư Gallasso, thẩm phán tòa dân sự tại Larino cũng đã ra phán quyết rằng “đã khẳng định quyền của công ty xuất khẩu (Việt Nam) trong việc giành lại quyền sở hữu hàng hóa đối với các container hạt điều và bác bỏ mọi phản đối và yêu cầu ngược lại của người mua.”

Hiện các luật sư của công ty luật Gallasso & cộng sự đang làm việc với cơ quan hải quan và cảnh sát tài chính Italy để trợ giúp các công ty xuất khẩu thực hiện phán quyết của tòa nhằm lấy hàng ra khỏi cảng trong những ngày tới.

Như vậy với 2 phán quyết này, 3 công ty Việt Nam đã giảm được rất nhiều thiệt hại.

Họ được lấy hàng ra bán cho người mua mới mà không bị mất tiền đặt cược cho hãng tàu là 150% giá trị lô hàng cho thời gian từ 18 tháng cho trường hợp đặt cọc tiền mặt và 6 năm cho trường hợp làm bảo lãnh ngân hàng.

[Bài học cho doanh nghiệp Việt: Cẩn trọng trong giao dịch quốc tế]

Trong khi đó, công tố viên tại thành phố Naples, người đang điều tra về các hành động bất hợp pháp của người mua, đã ra lệnh cho cơ quan cảnh sát, bộ phận chống gian lận truy tìm và thu giữ tất cả các vận đơn gốc đã bị đánh cắp (tổng cộng 35 vận đơn), khẳng định rằng “các công ty xuất khẩu (Việt Nam) là nạn nhân của một âm mưu lừa đảo.”

Đây là một phán quyết khá có lợi cho 3 công ty xuất khẩu còn lại đã đặt cọc để lấy hàng ra. Luật sư Gallasso và cộng sự đang nghiên cứu và lên phương án biện hộ để các công ty có thể rút khoản tiền cược ra sớm hơn thời hạn. Tuy nhiên, việc này là phức tạp và sẽ mất thời gian hơn rất nhiều.

Theo khuyến nghị của luật sư Gallasso, để tránh những tình huống tương tự xảy ra trong tương lai, điều tối quan trọng là các công ty Việt Nam kinh doanh trên thị trường quốc tế phải quan tâm hơn đến các khía cạnh khác nhau của quá trình đàm phán hợp đồng, bởi vì việc “phòng hỏa bao giờ cũng dễ dàng và ít tổn thất hơn là cứu hỏa”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.