Vụ kiện 'Tinh hoa Bắc Bộ': Xem xét tính tương tự là mấu chốt

Để giải quyết yêu cầu của hai bên, Tòa cho rằng cần phải xét đến tính tương tự giữa hai kịch bản/vở diễn mới giải quyết triệt để và dứt điểm tranh chấp.
Kinh thành Thăng Long tái hiện sinh động tại vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên bản án sơ thẩm ngày 20/3 đối với vụ kiện kinh doanh thương mại về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội (viết tắt là Tuần Châu) và bị đơn là Công ty cổ phần đầu tư tổng hợp truyền thông DS (viết tắt là DS) do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm Giám đốc liên quan đến tác phẩm “Ngày xưa,” đã có nhiều băn khoăn, thắc mắc xung quanh việc Tòa án xác định tác phẩm "Tinh hoa Bắc Bộ" là phái sinh của tác phẩm "Ngày xưa."

Đại diện Công ty Tuần Châu cho rằng việc kết luận về vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” không thuộc phạm vi của phiên tòa này.

Còn quan điểm của Tòa án khẳng định cần phải xét đến tính tương tự giữa hai kịch bản/vở diễn mới giải quyết triệt để và dứt điểm tranh chấp.

[Tuần Châu được công nhận quyền sở hữu vở diễn thực cảnh]

Cụ thể, sau khi Tòa tuyên án, Công ty Tuần Châu đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Bà Lê Thùy, Trưởng phòng pháp chế, Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội cho biết trong bản án sơ thẩm tuyên sáng 20/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên tác phẩm "Ngày xưa" thuộc quyền sở hữu của Tuần Châu.

Tuy nhiên, Tòa cũng xác định tác phẩm "Tinh hoa Bắc Bộ" là phái sinh của tác phẩm "Ngày xưa." Mặc dù vậy, Tòa không cho triệu tập tác giả vở "Tinh hoa Bắc Bộ" là đạo diễn Hoàng Nhật Nam đến phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trước đó, trình bày tại tòa, đại diện Công ty Tuần Châu cho rằng với phản tố của Việt Tú yêu cầu Tòa tuyên bố "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh của "Ngày xưa" đã được thụ lý bằng một vụ án khác nên nếu giải quyết trong vụ án là không hợp lý.

Tuy nhiên, trong bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã phân tích Công ty Tuần Châu yêu cầu đạo diễn Việt Tú chuyển quyền sở hữu kịch bản vở diễn “Ngày xưa” cho Tuần Châu.

Phía đạo diễn Việt Tú có đơn phản tố, yêu cầu xác định vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm có sau, được tạo ra trên nền của tác phẩm có trước là kịch bản và vở diễn “Ngày xưa,” do đó là tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc “Ngày xưa.”

Tòa nhận định như vậy, cả hai bên đều có yêu cầu xem xét đến quyền sở hữu trí tuệ đối với kịch bản “Ngày xưa” và kịch bản “Tinh hoa Bắc Bộ.” Căn cứ hợp đồng giữa hai bên đã quy định: “Tuần Châu cam kết lựa chọn DS là đối tác độc quyền và duy nhất trong việc triển khai sáng tạo, sản xuất các mô hình trình diễn thực cảnh - các mô hình tổ chức biểu diễn có tính chất tương tự.”

Vì vậy, để giải quyết yêu cầu của hai bên, Tòa cho rằng cần phải xét đến tính tương tự giữa hai kịch bản/vở diễn mới giải quyết triệt để và dứt điểm tranh chấp.

Bên cạnh đó, yêu cầu phản tố của DS có liên quan tới yêu cầu khởi kiện của Tuần Châu nên theo quy định tại Điều 200, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Tòa cho rằng yêu cầu này được giải quyết trong cùng một vụ án là phù hợp và như vậy vụ án mới được giải quyết triệt để.

Về điểm này, bà Lê Thùy cho rằng kết luận về vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” không thuộc phạm vi của phiên tòa vừa qua. Điều đó ảnh hưởng đến danh dự và quyền lợi của Tuần Châu khi "Tinh hoa Bắc Bộ" đã được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận quyền tác giả như một tác phẩm độc lập vào ngày 31/7/2017.

"Chúng tôi cảm thấy khó hiểu và không thỏa đáng, vì vậy Tuần Châu đã gửi đơn kháng cáo với mong muốn đi tìm sự minh bạch và công bằng ở phiên tòa phúc thẩm,” bà Lê Thùy cho biết.

Đáng chú ý, sau phán quyết của Tòa cấp sơ thẩm, đạo diễn Hoàng Hữu Nhật Nam (nghệ danh là đạo diễn Hoàng Nhật Nam) - Tổng đạo diễn, tác giả của tác phẩm "Tinh hoa Bắc Bộ" - đã có đơn gửi đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Tòa án nhân dân cấp cao.

Trong đơn, đạo diễn Hoàng Nhật Nam trình bày: "Quyền tác giả của tôi bị xâm phạm khi phán quyết của Tòa về tác phẩm của mình mà mình không có mặt. Tôi nghĩ rằng, ở góc độ công dân và một nghệ sỹ mà lại không được pháp luật bảo vệ."

Ông Nam cho rằng mình là người liên quan trực tiếp nhưng lại không được mời tham dự với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, không được lên tiếng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, không được lên tiếng bảo vệ tác phẩm của mình.

Về nội dung này, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục xem xét tại vụ kiện khác do DS là nguyên đơn, Tuần Châu là bị đơn. Trong đơn khởi kiện, DS đưa ra ba yêu cầu: Chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm sao chép tác phẩm, mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm kịch bản vở diễn “Ngày xưa;” hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận quyền tác giả số 3642/2017/QTG do Cục Bản quyền tác giả cấp ngày 31/7/2017 cho kịch bản vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ;” buộc bồi thường cho DS 400 triệu đồng.

Vụ kiện đang được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý, giải quyết. Trong vụ kiện này, đạo diễn Hoàng Nhật Nam sẽ tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục