Đến sáng 19/12, sự cố sập hầm của công trình thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo, nằm trên địa bàn thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, đã bước sang ngày thứ tư. Công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang chạy đua với thời gian.
Với 12 anh chị em công nhân bị mắc kẹt nơi đường hầm lạnh lẽo đã là 3 đêm liền sống trong sự hy vọng và chờ đợi, nước dâng ngập và bóng tối bao trùm. Còn với những người đang có mặt bên ngoài đường hầm cũng là 3 đêm trắng cho công tác cứu hộ, chuẩn bị ứng cứu.
Xuyên đêm cứu hộ
Đã 3 đêm liền từ ngày 16-18/12, lực lượng cứu hộ với hàng trăm con người khẩn trương làm việc giữa trời gió rét, tìm mọi biện pháp giải cứu nhóm công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm. Điều kiện thời tiết, cấu tạo địa chất, không gian đường hầm cùng nhiều yếu tố khác là những cản trở cho công tác cứu hộ. Đêm đầu tiên thực hiện công tác cứu hộ, trời có mưa; đêm hôm sau nước ngập dâng cao, khiến việc khoan các lỗ thông hầm từ nhiều hướng để tiếp cận khu vực có các nạn nhân đang mắc kẹt càng trở nên khó khăn.
Suốt những ngày qua, công tác cứu hộ diễn ra liên tục với sự phối hợp của các đơn vị, lực lượng liên quan. Đến ngày 18/12, số lượng người tham gia công tác cứu hộ đã lên tới con số trên 500, bao gồm công binh quân đội, cán bộ-chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, chuyên gia, thợ mỏ, công nhân, dân quân, y bác sỹ, điện lực, hậu cần không chỉ của tỉnh Lâm Đồng mà còn đến từ nhiều bộ, ngành, từ Quân khu 7, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Khánh Hòa.
Ngồi bên lán trại dã chiến, ăn vội bữa cơm tối để chuẩn bị vào hầm thay ca cho đồng đội, anh Nguyễn Trường Sơn, chiến sỹ cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: đến hôm nay, khi đã bơm hút, thoát dần nước bị ngập trong hầm ra ngoài, bản thân tôi mới bớt đi sự lo lắng.
Lực lượng chúng tôi tham gia cứu hộ ngay từ những giờ phút đầu tiên, khi ấy thông tin về tình hình của các công nhân bị mắc kẹt bên trong còn chưa rõ ràng, tình trạng đoạn hầm bị sút lún khá nguy hiểm nhưng với tinh thần tất cả vì người bị nạn, phải bằng mọi giá, nhanh chóng thông hầm, anh em đã vào cuộc rất khẩn trương, không nề hà.
Anh Lê Văn Nam (quê Ninh Bình), công nhân Công ty cổ phần Sông Đà 505 cho biết, mặc dù anh làm việc ở cửa hầm phía bên kia nhưng khi nhóm công nhân bên này bị nạn, anh cùng nhiều anh em trong công ty không ngần ngại tham gia cứu hộ. "Tuy phải làm việc với cường độ cao hơn ngày thường nhưng tất cả anh em sẽ không ngơi nghỉ để sớm giải cứu được tất cả mọi người bị mắc kẹt,” anh khẳng định với ánh mắt luôn hướng về đường hầm, nơi những đồng nghiệp vẫn còn đang bị kẹt lại ở bên trong.
Không cùng đơn vị nhưng anh Hồ Tấn Phúc và nhiều anh em khác từ một số công ty xây dựng tại Đà Lạt được huy động từ sớm đến hiện trường cũng sẵn sàng làm việc xuyên đêm, mong mũi khoan sớm chạm đích để rút nước ra khỏi hầm, giúp nhóm công nhân ở bên trong được an toàn.
Khẩn trương khoan hầm, cứu người
Từng tốp, từng tốp những con người đang trân mình giữa cái giá lạnh của vùng rừng núi Lạc Dương, thay phiên nhau vào ra đường hầm hay trực chiến nơi các lán trại dã chiến quanh khu vực hầm xảy ra sự cố.
Đã ba đêm trực chiến cùng các đồng đội, anh Nguyễn Trường Sơn, chiến sỹ cứu hộ - Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh Lâm Đồng) mong sớm thông thêm được nhiều mét đường hầm, thêm nhiều mũi khoan thành công để từng bước tiếp cận, giải cứu người bị nạn ở bên trong mà lực lượng cứu hộ bên ngoài cũng có thêm niềm tin.
Anh Sơn cho biết đợt khoan đầu tiên phải đến mũi thứ ba mới không bị đất đá cứng cản lại, xuyên qua được đoạn hầm bị sập để liên lạc và có tín hiệu từ bên trong đáp lại, lúc đó người ở trong rất đỗi vui mừng, sống dậy hy vọng, còn người ở ngoài cũng mừng vô cùng.
Gần 12 giờ ngày 17/12, hàng chục nhân viên cứu hộ có mặt trong đường hầm, chia thành các nhóm phụ trách từng phần việc. Nhóm dùng máy khoan tiếp tục tìm cách xuyên qua lớp đất đá dày hàng chục mét để tạo lỗ thông dẫn thoát nước từ bên trong ra ngoài, đảm bảo an toàn cho 12 công nhân bị mắc kẹt.
Nhóm thì phụ trách đưa cháo, nước uống, nước gừng giữ ấm vào bên trong qua lỗ thông đường kính 6cm được khoan thành công trước đó và hỏi thăm tình hình mọi người bên trong.
Rạng sáng ngày 18/12, vẫn những công đoạn đó, phần việc đó được các nhóm cứu hộ nối tiếp, thay phiên nhau để giữ nhịp cho tiến độ khoan hầm, giữ liên lạc và tiếp tế cứu người bị nạn.
Đêm 18/12, công việc cứu hộ có khác đi với việc các nhóm công binh-giờ là “nhân vật chính” đảm trách việc đào hai đường hầm phụ theo hình vòng cung ở hai bên vách phải và trái của hầm chính để vượt qua đoạn hầm bị sập dài 35m.
Các lực lượng khác, các nhóm khác vẫn có mặt để hỗ trợ việc giải phóng đường hầm, thu dọn đất đá, tiếp tục thoát nước, cung cấp khí ôxy, tiếp tế dinh dưỡng và giữ liên lạc. Lực lượng chuyên nghiệp của Trung tâm cấp cứu mỏ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cùng với công binh liên tục đào đất đá và dùng máy khoan ly tâm xuyên vào vách núi. Đây là phương án mới, đào một cửa hầm khác sau đó men theo vách hầm cũ đi thẳng đến mục tiêu.
Anh Trần Văn Ninh, kỹ thuật viên của Trung tâm cấp cứu mỏ cho biết giải pháp này an toàn hơn so với phương án đào trực tiếp vào lớp đất đá dày hàng chục mét bị sập xuống trước đó. Việc đào hầm có thể mất vài ngày do hầm có chiều cao khoảng 1,5m và khi hoàn thành có thể giúp nhiều người cùng thoát ra ngoài một lúc. Hiện giờ phương án này được tiến hành song song để mở hai đường hầm phụ hai bên vách hầm chính.
Cùng sát cánh
Chúng tôi gặp Plét cùng nhóm dân quân tự vệ người dân tộc Cil “tuổi đôi mươi” của xã Lát, huyện Lạc Dương, đang túc trực trước cửa hầm trong buổi tối lất phất mưa. Các bạn trẻ cho biết tuy chưa được phân công công việc cho đêm nay nhưng họ sẵn sàng chờ điều động làm bất cứ việc gì để hỗ trợ công tác cứu hộ.
Plét nói: "Tụi em đã trực chiến ở đây suốt 3 đêm. Những ngày trước thì tham gia vận chuyển gỗ để gia cố hầm, giải phóng mặt bằng xung quanh hiện trường phục vụ công tác cứu hộ và giữ an ninh trật tự tại khu vực. Nghe thông tin sập hầm và có người bị nạn em thấy rất buồn và lo.
Ai bị nạn cũng vậy, người Bắc, người Nam hay người đồng bào dân tộc cũng là người Việt Nam mình cả. Tụi em chỉ mong sớm cứu được các anh chị em công nhân ra ngoài."
Chia tay chúng tôi để ra ngoài thu dọn xe cộ cho các phương tiện cứu hộ lưu thông, Plét bảo: Năm hết, Tết đến rồi. Với người theo đạo như chúng em thì chuẩn bị mừng Chúa giáng sinh. Em cầu nguyện Ơn Trên cho các công nhân sớm được giải cứu, về lại với gia đình, đoàn tụ người thân.
Ở trên đồi, tổ cứu hộ của Nguyễn Trường Sơn, chiến sỹ cứu hộ - Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh Lâm Đồng) chuẩn bị vào ca tối. Sơn nói: Mọi việc bây giờ phụ thuộc vào thời gian nhưng tôi tin rằng với những tiến triển trong những ngày qua, đặc biệt với việc đã hút nước ngập ra ngoài, cung cấp được ôxy, nước và cháo vào trong cho các nạn nhân, công tác cứu nạn sẽ có kết quả tốt đẹp.
Sơn khẳng định: Mong muốn sinh tồn là sức mạnh của mỗi con người, tôi tin họ sẽ tiếp tục chiến đấu và chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chiến đấu./.