Vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng: Công tác cứu hộ gặp khó khăn

Các phương án khoan thông hầm vẫn gặp nhiều khó khăn do các điều kiện cấu tạo địa chất và an toàn của đường hầm.
Bên trong đường hầm, lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực dùng máy móc thiết bị mở rộng lỗ hổng để đưa nạn nhân ra ngoài. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Ngày 18/12, ngày thứ ba của công tác cứu hộ vụ sập đường hầm tại công trình thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) tiếp tục ghi nhận sự nỗ lực của các lực lượng cứu hộ, hiện đã lên đến 500 người.

Tuy nhiên, các phương án khoan thông hầm vẫn gặp nhiều khó khăn do các điều kiện cấu tạo địa chất và an toàn của đường hầm.

Đến thị sát hiện trường và chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn trong chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu nỗ lực hơn nữa, không ngừng nghỉ và tập trung cho các giải pháp tối ưu nhất trong công tác cứu hộ, nhằm giải cứu, đưa các công nhân bị mắc kẹt bên trong hầm ra ngoài an toàn trong thời gian sớm nhất.


Mở hai đường hầm phụ cứu hộ

Sau buổi hội ý khẩn của Ban chỉ huy cứu nạn ngay tại hiện trường trưa 18/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - chủ trì buổi họp - cho biết sẽ cho đào thêm đường hầm phụ thứ hai để đẩy nhanh công tác cứu hộ, cứu nạn. Như vậy, trong đường hầm dẫn nước thủy điện đang bị sập, lực lượng cứu hộ sẽ tiến hành đào hai đường hầm phụ hình vòng cung ở hai bên vách hầm chính để nhanh chóng vượt qua đoạn hầm bị sập khoảng 35m, tiếp cận khu vực nơi có 12 công nhân đang bị mắc kẹt. Đường hầm cứu hộ bên vách phải hầm chính được tiến hành từ tối 17/12 và đến tối 18/12 lực lượng công binh, cứu hộ và cấp cứu mỏ đã đào được khoảng 6m.

Tại buổi hội ý, Đại tá Phạm Văn Tỵ - Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, cũng đề nghị cho đào thêm đường hầm phụ thứ hai bên vách trái đường hầm bị sập, tiếp tục cho gia cố đường hầm chính ở một số đoạn xung yếu, có cấu tạo địa chất yếu. Đại tá Tỵ cũng đề xuất thêm việc lắp đặt hệ thống ống thép đường kính rộng khoảng 50-60cm dọc theo đường hầm chính để nếu có sự cố sập tiếp diễn sẽ là đường thoát hiểm cho lực lượng cứu hộ.

Chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các lực lượng cứu hộ nỗ lực hơn nữa, không ngừng nghỉ, tăng cường cho giải pháp đào hầm tạo ngách phía bên vách phải đường hầm chính để nhanh chóng tiếp cận vị trí đoạn hầm phía bên trong, đồng thời tạo thêm một đường hầm cứu hộ mới phía bên vách trái. Ngay trong buổi chiều, lực lượng công binh cũng đã cho đào mở đường hầm cứu hộ phía trái này.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng cứu hộ cũng đồng thời phải tiếp tục gia cố đường hầm chính để đảm bảo không xảy ra sập tiếp và an toàn cho lực lượng cứu hộ, tập trung bảo vệ 3 đường ống đang được dùng để cung cấp dưỡng khí, thức ăn, nước uống, liên lạc với các nạn nhân và đường thoát nước ngập ra ngoài.

Đổi lỗ khoan hướng đỉnh hầm

Chiều 18/12, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, mũi khoan từ đỉnh đồi xuống phía nóc hầm đang tiến triển sau khi có máy khoan cọc nhồi công suất lớn từ Thành phố Hồ Chí Minh chuyển lên. Ông Yên cho biết, hướng khoan này cần xuyên qua khoảng cách gần 70m đất đá và đã khoan được 40m. Mũi khoan đường kính 10cm sẽ giúp tạo lỗ thông rộng hơn để chuyển quần áo và thực phẩm xuống khu vực 12 công nhân đang bị mắc kẹt. Đáng chú ý, mũi khoan này khi thành công sẽ có thể đưa ống thông tin xuống để liên lạc, nắm tình hình các công nhân bị nạn rõ hơn.

Tuy nhiên, đến khoảng 17 giờ 15 cùng ngày, ghi nhận từ hiện trường nơi đang thực hiện mũi khoan từ đỉnh hầm cho thấy lực lượng chức năng đã không thể tiếp tục khoan khi mũi khoan vướng lớp đá cứng và gãy mũi khi đã khoan qua hơn 40m. Lực lượng cứu hộ đã khảo sát một số vị trí mới, thuận lợi hơn và quyết định di dời lỗ khoan bởi vị trí cũ không còn khả thi. Trong đêm 18/12 và thời gian tiếp theo lực lượng chức năng sẽ giải phóng mặt bằng, tập trung mạnh cho hướng khoan từ đỉnh này để tìm hướng tiếp cận tốt hơn với nhóm công nhân gặp nạn.

Trong khi đó, mũi khoan từ phía sau hầm, phía hạ lưu, cũng gặp khó khăn do cấu tạo địa chất yếu. Về hướng khoan này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị điều thêm lực lượng, tiếp tục khảo sát địa chất, “còn nước còn tát” nếu khả thi thì tiến hành khẩn trương.

Sức khỏe 12 công nhân vẫn ổn định

Ông Nguyễn Văn Yên cho biết, trong ngày việc thoát nước ngập trong đường hầm tiếp tục được thực hiện khẩn trương, đến buổi chiều đã đưa mực nước xuống dưới 1m so với mức ngập gần 1,5m vào tối hôm trước. Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, tinh thần, sức khỏe 12 nạn nhân vẫn ổn định, nhưng các nạn nhân bị lạnh, rét sau gần 3 ngày mắc kẹt trong đường hầm ngập nước nơi vùng rừng núi. Do đó, nhiệm vụ quan trọng trong lúc này là vừa đào hai đường hầm phụ bên vách trái và vách phải của đường hầm chính theo hình vòng cung đi qua đoạn hầm bị sập dài 35m, vừa phải bảo vệ 2 đường ống từ các lỗ khoan nhỏ (đường kính 6cm) đang được dùng để cung cấp dưỡng khí, nước, thức ăn lỏng cho các nạn nhân.

Vào thị sát đường hầm và trực tiếp liên lạc, trao đổi, thăm hỏi các công nhân bị nạn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã động viên các công nhân tiếp tục bình tĩnh, giữ sức khỏe và tinh thần trong thời gian công tác cứu hộ đang được triển khai hết sức khẩn trương. Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo việc tiếp dưỡng khí, nước uống, thức ăn cho nhóm công nhân; giao lực lượng y tế chịu trách nhiệm đảm bảo sức khỏe cho nhóm công nhân bị nạn ở thời điểm hiện tại lẫn sau khi được giải cứu; y tế phải chuẩn bị các phương án bơm vitamin, chuẩn bị thuốc và đội ngũ y bác sỹ thường trực tại hiện trường.

Bà Phạm Thị Bạch Yến – Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết việc cung cấp dưỡng khí và dinh dưỡng cho các nạn nhân vẫn được liên tục thực hiện trong ngày. Ngành y tế đã phối hợp với lực lượng công binh, công an khảo sát, chuẩn bị mặt bằng dã chiến cho công tác sơ cứu nạn nhân ngay khi được giải cứu ra ngoài. Tuy hiện đường hầm còn bị ngập nước nhưng các lực lượng đã sẵn sàng để ứng cứu các nạn nhân.

Theo báo cáo chính thức của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, sự cố sập hầm tại công trình thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo xảy ra vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 16/12, khi các công nhân của Công ty cổ phần Sông Đà 505 đang vào ca làm việc tại đường hầm thì hầm bất ngờ bị sập.

Vị trí đoạn hầm bị sập cách cửa nhận nước đầu miệng hầm khoảng 500m (đường hầm dài 720m, thi công từ thượng lưu xuống dược khoảng 600m, đoạn bị sập dài khoảng 35m). Vị trí này trước đây khi Công ty cổ phần đầu tư xây dựng ngầm Vinaconex thi công cũng đã nhiều lần bị sụt đất.

Trước khi sự cố xảy ra, Công ty cổ phần Sông Đà 505 đã chống đỡ trần hầm bằng khung và vỉ thép, nhưng khi sự cố xảy ra lượng đất và đá lớn đã phá sập trần hầm và đè bẹp một xe đào đất tại vị trí này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục