Vụ sập hầm thủy điện: Thêm 1 mũi khoan để làm đường thoát nước

Lực lượng cứu hộ tiếp tục khoan theo hướng từ phía trước cửa hầm thêm một mũi khoan để làm đường thoát nước và đến hơn 6 giờ ngày 18/12, mũi khoan thứ ba này đã tiếp cận thành công.
Vụ sập hầm thủy điện: Thêm 1 mũi khoan để làm đường thoát nước ảnh 1Bình oxy liên tục được chuyển vào trong hầm để cung cấp dưỡng khí cho 12 người bị mắc kẹt. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Đến 7 giờ ngày 18/12, công tác bơm thoát nước ngập trong đường hầm bị sập tại công trình thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tiến triển tốt.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy lượng nước được bơm hút ra ngoài càng lúc càng lớn hơn.

Suốt đêm 17/12, cùng với việc bơm hút nước dâng ngập khoảng 1,2m trong đoạn hầm nơi có 12 công nhân đang bị mắc kẹt, lực lượng cứu hộ tiếp tục khoan theo hướng từ phía trước cửa hầm thêm một mũi khoan xuyên qua lớp đất đá bị sụp đổ hơn 30m để làm đường thoát nước.

Đến hơn 6 giờ ngày 18/12, mũi khoan thứ ba từ hướng tiếp cận này đã thành công.

Trước đó, vào tối 16/12 lực lượng cứu hộ đã khoan thành công mũi khoan đầu tiên để đặt đường ống cung cấp dưỡng khí và dinh dưỡng, tối 17/12 đã khoan thêm một lỗ để thoát nước ra ngoài.

Các lỗ thông vừa được tạo ra cũng giúp cho việc liên lạc và tiếp điện, ánh sáng cho các nạn nhân mắc kẹt bên trong hầm.

Ngoài ba mũi khoan từ phía trước hầm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương, cho biết thêm mũi khoan đang thực hiện ở phía sau hầm cũng đang tiến triển, dự kiến đến khoảng gần 10 giờ ngày 18/12 sẽ xuyên qua 60m đất đá để có thể tiếp cận được với đoạn hầm phía trong.

Mũi khoan đứng ở hướng từ trên đỉnh đồi xuống hầm cũng được tiến hành khẩn trương trong đêm 17/12. Đây sẽ là mũi khoan quan trọng trong việc tiếp cận đoạn hầm có người bị nạn, để mở thêm đường thông rộng cung cấp quần áo và thực phẩm cho các nạn nhân.

Tuy nhiên, mũi khoan này gặp nhiều khó khăn nhất, liên tục phải ngừng lại do gặp các lớp đất đá cứng.

Việc khoan thành công và tháo nước ra ngoài đã tạo được niềm tin cho các công nhân bị nạn, cũng như lực lượng cứu hộ.

Hiện công tác cứu hộ đang được hơn 200 người của các lực lượng công binh, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, chuyên gia hầm mỏ, xây dựng, y tế, hậu cần, điện lực... của tỉnh Lâm Đồng, Quân khu 7, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp ứng cứu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục