Mưa lũ những ngày qua tại Thừa Thiên-Huế đã để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản. Càng đau xót hơn khi 13 cán bộ, chiến sỹ đã ra đi trong khi đang làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trong số đó có phóng viên Phạm Văn Hướng, sinh năm 1968, công tác tại Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Những ngày qua, nghe tin phóng viên Phạm Văn Hướng có tên trong danh sách 13 người của đoàn công tác tham gia cứu hộ ở thủy điện Rào Trăng 3 mất liên lạc, đồng nghiệp chúng tôi, người dân Thừa Thiên-Huế, ai cũng cầu nguyện cho cả anh và đoàn cứu hộ.
Tuy nhiên, đến chiều 15/10, từng chiếc xe cứu thương chở thi thể nạn nhân từ khu vực sạt lở Tiểu khu 67 đi ra, trong đó có anh Hướng, thì tất cả chúng tôi đều nghẹn lòng, xót xa. Không có phép màu, các anh đã mãi mãi ra đi. Hôm ấy cũng chính là ngày sinh nhật lần thứ 52 của anh Hướng.
[Đinh Hữu Dư - Hãy là cánh chim bay cao trên bầu trời Yên Bái]
Trước đó, ngày 12/10, anh Phạm Văn Hướng theo đoàn của Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 4 đi thị sát, cứu trợ cho người dân vùng lũ ở Thừa Thiên-Huế.
Tầm trưa, anh tham gia đoàn tìm kiếm cứu nạn đi về phía Thủy điện Rào Trăng 3 sau khi nhận được thông tin sự cố sạt lở ở thủy điện này.
Sau khi nhận thông tin Thủy điện Rào Trăng 3 sạt lở, nghi vấn 17 công nhân đang làm việc tại đây bị đất đá vùi lấp, anh cùng đoàn công tác có mặt họp khẩn tại trụ sở Huyện ủy Phong Điền, trước lúc di chuyển vào hiện trường, nỗ lực cứu hộ các công nhân gặp nạn.
Sau nhiều giờ trèo đèo, vượt lũ, đến tối, khi đoàn cứu hộ cách hiện trường khoảng 16km thì gặp mưa lớn, nước lũ tràn về buộc đoàn phải vào nghỉ tạm tại Trạm bảo vệ rừng 67.
Rồi trong đêm đó, lũ từ thượng nguồn đổ về, một khối lớn bùn, đất, đá đã ập xuống hai gian phòng nơi các anh nghỉ đêm, san phẳng và vùi lấp mọi thứ.
Đối với mỗi phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, anh Hướng không chỉ là đồng nghiệp mà còn là người anh hiền từ và gần gũi.
Riêng tôi cũng đã quen biết anh hơn 5 năm và từng đi làm chung trong nhiều sự kiện. Mỗi lần được gặp anh, chúng tôi lại cười vui vẻ bởi cách nói chuyện hài hước và những câu chuyện cười hóm hỉnh.
Nhà báo Vũ Thắng, thường trú Báo Sài Gòn giải phóng tại tỉnh Thừa Thiên-Huế nghẹn ngào chia sẻ quen biết nhau hơn 10 năm, anh Hướng là người anh thân thương, người đồng nghiệp đáng quý.
[Thủy điện Rào Trăng 3: Truy tặng Huân chương Dũng cảm cho 2 cán bộ]
Anh chưa bao giờ từ chối lời nhờ giúp đỡ nào, thậm chí còn hỗ trợ người khác nhiều hơn cả mong đợi. Trong gia đình, anh là người cha mẫu mực, chăm chút mọi việc cho hai con học hành. Có lẽ vì thế mà hai con của anh (một cháu học đại học ở Hà Nội, cháu còn lại đang học lớp 11) luôn có thành tích học tập tốt.
Nhiều lần anh tâm sự, khi về hưu sẽ trở lại quê hương Thái Bình để làm vườn, trồng cây, sống vui vẻ tuổi già. Ước muốn ấy chưa thực hiện được mà anh đã đi xa mãi mãi.
Còn đối với phóng viên Nguyễn Văn Dinh, thường trú báo Tài nguyên và Môi trường tại Thừa Thiên-Huế, anh Hướng là một người anh, một người đồng nghiệp đáng quý. Anh luôn động viên Dinh trong nghề bằng sự chia sẻ lúc gặp mặt, những dòng tin nhắn chứa chan tình cảm, đó là động lực để Dinh cố gắng trong cuộc sống.
Anh cũng luôn chia sẻ những thông tin cho anh em đồng nghiệp khi phóng viên không thể tiếp cận được. Ngày 15/10 là ngày sinh nhật của anh cũng là ngày đoàn cứu hộ tìm thấy thi thể anh, Dinh cùng nhiều đồng nghiệp không kìm được nước mắt.
Anh Phạm Văn Hướng, quê ở Thái Bình, vào Thừa Thiên-Huế lập nghiệp nhiều năm nay. Trước đây, anh Hướng là phóng viên Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện A Lưới. Đến năm 2013, anh chuyển về công tác tại Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Những ngày mưa bão, vì tính chất công việc đặc thù phải trực và đi hiện trường nhiều nên anh nhờ hàng xóm mua thực phẩm dự trữ cho con.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên-Huế, anh Phạm Văn Hướng là người nhiệt tình, năng nổ trong công việc.
Là người lớn tuổi ở đơn vị, anh luôn dìu dắt, bảo ban đồng nghiệp trẻ. Trong đợt mưa bão vừa qua, anh Hướng luôn tích cực tham gia cùng các đoàn công tác phòng chống bão, lũ ở những vùng xung yếu.
Khi bão lũ qua, anh lại về vùng thấp trũng, tham gia cứu trợ cho người dân. Thế nhưng, trong chuyến đi định mệnh ấy, anh mãi mãi không trở về nữa.
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Hướng, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ thành lập quỹ, hỗ trợ hai con của anh hoàn thành việc học tập.
Dự kiến ban đầu, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ huy động cán bộ hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, nguồn từ bảo hiểm và các nhà hảo tâm khác cũng sẽ được chuyển vào để thực hiện việc làm nhân ái này.
Theo nguyện vọng của người thân, thi thể anh Phạm Văn Hướng sẽ được hỏa táng và đưa về an táng tại quê nhà ở Hoa Lưu, Đông Hưng, Thái Bình.
Nghề nào cũng có những khó khăn nhất định, trong đó nghề báo là nghề nguy hiểm. Tuy nhiên, nguy hiểm như thế nào thì khi đi tác nghiệp tại hiện trường, những người làm nghề mới thấu hiểu.
Ngay lúc này, khi dải đất miền Trung đang oằn mình gánh chịu thiệt hại nặng nề từ mưa bão, ngoài kia, đồng nghiệp của chúng tôi vẫn đang khoác áo mưa, áo phao cùng máy ảnh, máy quay phim có mặt ở vùng rốn lũ, vùng trũng, vùng sạt lở để cập nhật thông tin nhanh nhất tới độc giả và ở đó, tử thần luôn rình rập bất cứ lúc nào./.