‘Vừng ơi mở cửa’: Chúng ta vẫn trẻ nhưng chúng ta đã chín!

‘Vừng ơi mở cửa’: Đêm hội ngộ của các thế hệ sinh viên Văn khoa

“Vừng ơi mở cửa” là tập thơ có số phận đặc biệt. Sau 27 năm biệt tích, tập sách vốn chỉ lưu hành nội bộ của SV Văn khoa Đại học Tổng hợp đã đến với bạn đọc cùng Đêm thơ hội ngộ các thế hệ SV Văn khoa.
"Vừng ơi mở cửa" là cuộc hội ngộ của các thế hệ sinh viên Văn khoa. (Ảnh: BTC)

Chương trình nghệ thuật “Vừng ơi mở cửa”  diễn ra vào tối 7/12 tại khuôn viên ký túc xã Mễ Trì (số 182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội) là cuộc hội ngộ, giao lưu của các thế hệ sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Sống lại thời hoa niên

Đây là một chương trình được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp với sự góp mặt của đông đảo thế hệ cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn trước đây, Khoa Văn học hiện nay cùng khách mời là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ tên tuổi: Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Việt, Trần Quang Đạo, Lê Cảnh Nhạc, Nguyễn Vĩnh Tiến…

Đặc biệt, chương trình sẽ có sự góp mặt của Trần Thanh Tùng (Tùng John) - một gương mặt quen thuộc của “làng” sinh viên Hà thành những năm 1990s. Sinh viên Hà Nội khi ấy vẫn quen với hình ảnh một chàng trai lãng tử, tóc dài chấm vai, quần jeans bụi bặm hát nhạc của The Beatles rất phiêu.

Lần này, Tùng John sẽ cùng ca sỹ Thành Lê và nhiều nghệ sỹ khác làm sống dậy đam mê âm nhạc, gợi lại không khí văn nghệ trong đời sống sinh viên Hà Nội một thời. Những ca khúc được phổ thơ của các cựu sinh viên Văn khoa  (Nguyễn Thế Kỷ, Đoàn Ngọc Thu...)  sẽ vang lên trong đêm nghệ thuật “Vừng ơi mở cửa.”

[Mega Story: Nguyễn Quang Thiều - Đa tài và đa mang]

Chương trình được tổ chức với mục đích tri ân, tôn vinh các thế hệ thầy cô giáo - những người đã cùng đóng góp xây dựng nên Khoa Văn học và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành từ môi trường này; tạo cơ hội để các thế hệ sinh viên sống lại một thời hoa niên đầy ắp kỷ niệm với không khí sinh hoạt văn nghệ, thơ ca đã trở thành thương hiệu của Khoa Ngữ văn; đồng thời truyền nhiệt huyết đó cho các thế hệ sinh viên hiện tại.

“Vừng ơi mở ra” do Khoa Văn học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Hội Cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn, Nhà xuất bản Văn học, báo Đời sống và Pháp luật, báo Kinh tế và Đô thị, Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6) - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam là Trưởng ban chỉ đạo chương trình.

Tại chương trình nghệ thuật này, Hội Cựu sinh viên Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) sẽ trao tặng và đóng góp cho Quỹ học bổng Văn Khoa từ nguồn tài trợ của một số doanh nghiệp và từ nguồn đóng góp của chính các cựu sinh viên nhằm tiếp lửa cho những sinh viên trẻ.

Tùng John là một gương mặt quen thuộc của “làng” sinh viên Hà thành những năm 1990s.

Một trời thương nhớ

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Văn học cũng giới thiệu tới độc giả tập thơ “Vừng ơi mở cửa.” Đây vốn là một tập sách của sinh viên Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) đã từng lưu hành nội bộ vào những năm đầu thập niên 90.

“Vừng ơi mở cửa” là một cái tên đầy sức gợi được dùng làm chủ đề cho cả chương trình giao lưu nghệ thuật và tập thơ. Đó như câu “thần chú” để mở cánh cửa, bước vào khám phá thế giới tâm hồn, tìm lại ký ức một thời của những sinh viên Ngữ văn xưa.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ: “Đây là một tập thơ có số phận không bình thường. Tập thơ đã biến mất, ‘biệt tích’ suốt 27 năm rồi lại đột ngột, tình cờ hiện ra trước đôi mắt sững sờ của nhà thơ-nhà báo Nguyễn Tiến Thanh (Tổng Biên tập Báo Đời sống và Pháp luật, cựu sinh viên Văn khoa Tổng hợp) trong một lần dọn nhà. Tiến Thanh đã run run và rưng rưng cầm cuốn sách lên, rồi anh cứ thế ngồi bệt trên nền nhà mà đọc liền một mạch, đọc trong nỗi xôn xao rất khó diễn tả thành lời. Tiếp đấy, anh vội vã gởi tập thơ tới Giám đốc Nhà xuất bản Văn học với một lời đề nghị ngắn gọn: 'Nếu có thể, Giám đốc nên cho in lại tập thơ này. Thay mặt tất cả các bạn sinh viên Khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội cảm ơn Vũ thật nhiều'."

Mỗi câu thơ đều trong veo, mong manh, dễ vỡ như chính tâm hồn nhạy cảm của các tác giả. “Chỉ hai tiếng vừng ơi mà chẳng nhớ/ Hang cấm - tim em có bao giờ bỏ ngỏ/ Nhớ đi anh, chỉ hai tiếng thôi mà/ Vừng ơi! Là cửa sẽ mở ra!” (trích “Vừng ơi mở cửa” - Phạm Thu Thủy).

Các cây bút góp mặt trong tập thơ “Vừng ơi mở cửa” đã cùng nhau làm nên một bản hòa tấu của tâm hồn, giúp ta lưu giữ những ký ức về thời thanh xuân tươi đẹp.

“37 tác giả ngày đó trong tập thơ này, 37 niềm đam mê sáng tạo thơ ca một thời ở Văn khoa Tổng hợp, bây giờ họ ra sao? Tất cả, tất cả họ đều là những con người tử tế. Trong số đó, có người rẽ lối thành doanh nhân, có người là nhà nghiên cứu, có người trở thành nhà báo, không ít người giữ những chức vụ quan trọng ở các cơ quan trọng yếu của nhà nước... Cuộc sống là sự chọn lọc khắc nghiệt, cuộc đời là quá trình vận động vô thường nhưng những người yêu thơ, trân trọng thơ, neo giữ thơ trong tâm khảm vẫn luôn khẳng định được nhân cách, nhân phẩm trong hành trình tồn tại,” nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - giảng viên Khoa Văn học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bày tỏ.

Mang thơ trong lòng, thế hệ sau vẫn tiếp nối thế hệ trước. Một thuở, thơ ca đã đồng hành cùng sinh viên từ mái trường đến chiến trường.

“Chúng tôi vẫn gặp nhau trong nhiều lần hội khoa, vẫn quan tâm đến nhau trong từng bước đường sáng tạo… Cầm tập thơ trên tay, trong 37 cái tên trân trọng, tôi bỗng nhớ ngơ ngẩn một người yêu thơ đến vật vã, đến vất vả. Đó là Phương Hồng Khanh. Anh đã vĩnh viễn ra đi vì bệnh hiểm nghèo. Lần in này cũng là một ly rượu ngọt dành tặng cho anh. Các bạn ơi! Chúng ta vẫn trẻ nhưng chúng ta đã chín,” thầy Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục