Từ đầu những năm 2000, tình trạng khai thác đá trái phép bắt đầu diễn ra tại ấp 3, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Ban đầu, việc khai thác đá diễn ra nhỏ lẻ với một vài cơ sở, song do chính quyền vào cuộc thiếu quyết liệt nên 15 năm sau, đã có hàng chục cơ sở khai thác đá trái phép hoạt động tại đây.
Vùng quê yên bình... trở thành đại công trường
Thực trạng khai thác đá trái phép khiến nhiều thửa ruộng, vườn cây lâu năm bị đào bới, đường dân sinh bị băm nát, môi trường sống của người dân ô nhiễm nặng nề.
Trước năm 2000, dân ấp 3, xã Sông Trầu sống chủ yếu dựa vào trồng cây công nghiệp lâu năm như càphê, hồ tiêu. Sau đó, người dân chuyển sang cho doanh nghiệp thuê đất để khai thác đá, có những hộ mở luôn xưởng khai thác đá ngay trên phần đất của gia đình.
Đất sau khi cho các doanh nghiệp thuê thì bị biến chất trầm trọng, xuất hiện nhiều hố sâu không thể tái sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây dân ấp 3 sử dụng hình thức bán đất để doanh nghiệp khai thác đá, chuyển cả gia đình đi nơi khác sinh sống.
Hiện ở ấp 3, nhiều gia đình vẫn đang rao bán đất khai thác đá với giá lên đến hàng trăm triệu đồng/1.000m2. Việc mua bán ở đây được hai bên tự thỏa thuận, không thông qua chính quyền địa phương.
Do khai thác đá tràn lan nên từ một vùng quê yên bình, ấp 3 nay thành đại công trường. Đường dân sinh ở xã Sông Trầu, đặc biệt là đường ở ấp 3 xuống cấp trầm trọng. Riêng đoạn đường dài trên 3km từ Ủy ban Nhân dân xã Sông Trầu đến ấp 3, hằng ngày có hàng trăm xe tải chở đá lưu thông, xuất hiện chi chít các hố sâu.
Hai bên đường là hàng chục xưởng khai thác đá luôn có những chiếc máy xúc liên tục hoạt động. Đá sau khi được đưa từ dưới đất lên sẽ được người làm thuê dùng búa đập, máy cưa để xẻ nhỏ và chất lên xe tải mang đi tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân sinh sống tại ấp 3, bức xúc: “Việc khai thác đá diễn ra tràn lan nên đời sống của người dân bị đảo lộn. Đường trong ấp mùa nắng thì bụi, mưa thì lầy lội. Xe chở đá phóng nhanh, vượt ẩu, không che chắn nên đá từ thùng xe thường xuyên văng xuống đường, dân đi lại rất nguy hiểm. Những hộ dân ở gần đường hàng ngày phải đóng cửa, bịt kín lỗ hổng không cho bụi vào nhà. Bụi nhiều dẫn tới ô nhiễm môi trường, dân ấp 3, đặc biệt là trẻ con, thường mắc các bệnh về hô hấp."
Theo bà Lan, người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền ngăn chặn khai thác đá nhưng mọi thứ vẫn không thay đổi, hàng nghìn người vẫn phải sống chung với bụi, tiếng ồn, nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập.
Chính quyền địa phương thiếu cương quyết
Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bom cho biết ở Trảng Bom, tình trạng khai thác đá trái phép diễn ra chủ yếu ở 2 xã Sông Trầu và Sông Thao. Điều này do chính quyền địa phương thiếu cương quyết, không xử lý kịp thời ngay khi sự việc còn manh mún.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường Trảng Bom đã kiểm tra, xử phạt 16 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản (khai thác đá và đất) với số tiền hơn 150 triệu đồng. Riêng tại xã Sông Trầu, có 6 trường hợp tận thu đá trái phép bị xử phạt với số tiền 48 triệu đồng.
Thời gian tới, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý tất cả các cá nhân, tổ chức đang khai thác đá trái phép tại xã Sông Trầu.
Nhưng theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Sông Trầu, xã đã vào cuộc chấn chỉnh, song do lực lượng mỏng và xã không đủ thẩm quyền nên tình trạng trên không được khắc phục triệt để.
Ngoài ra, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, chủ các bãi khai thác đá tạm ngưng hoạt động, đoàn kiểm tra rút đi họ trở lại khai thác. Một số cơ sở lén lút khai thác vào ban đêm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử phạt.
Tình trạng khai thác đá trái phép tại xã Sông Trầu đã diễn ra đã hơn 15 năm nay. Hiện trên địa bàn xã có khoảng 20 cơ sở khai thác đá, tất cả số cơ sở này đều không có giấy phép.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thường cho biết tình trạng khai thác đá trái quy định xảy ra chủ yếu ở huyện Trảng Bom và huyện Thống Nhất. Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực này tỉnh đã phân cấp cho chính quyền địa phương (huyện, xã) thực hiện.
Tuy nhiên, để chấn chỉnh tình trạng khai thác đá trái phép, cuối năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, qua đó phát hiện hơn 10 trường hợp vi phạm, tập trung chủ yếu ở xã Sông Trầu.
Sau kiểm tra, Sở tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản yêu cầu huyện Trảng Bom xử lý các cơ sở khai thác đá, buộc các cơ sở không phép phải di dời vào cụm công nghiệp. Song đến nay, Sở vẫn chưa nhận được báo cáo việc thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh từ huyện Trảng Bom.
Nạn khai thác đá trái phép ở Đồng Nai đã làm thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia, tàn phá nhiều diện tích đất nông nghiệp, hủy hoại môi trường, gây hại cho sức khỏe của người dân. Để giải bài toán này, các cơ quan chức năng của Đồng Nai, đặc biệt là chính quyền địa phương cần vào cuộc một cách quyết liệt, mạnh tay dẹp bỏ những cơ sở khai thác “chui”./.